Suy giáp và ảnh hưởng đến bà mẹ và thai
Suy giáp sẽ có biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ sút kém, táo bón, nhức mỏi bắp thịt, khàn tiếng, phù nhẹ ở mặt và mắt, da khô, bủng, có thể chảy máu bất thường ở âm đạo. Sau vài tháng, mọi hoạt động tinh thần thể lực trì trệ hẳn, ăn không ngon, tóc khô, rụng nhiều, có thể bị hôn mê đột ngột. Các biểu hiện này không đặc trưng nên có người bị suy giáp mà không biết hoặc nhầm sang bệnh khác.
Trước khi có thai hay khi có thai nếu có biểu hiện nghi ngờ bị suy giáp thì nên khám chức năng tuyến giáp.
Một số trường hợp có thai sau đây có nguy cơ suy giáp cao: bị viêm tuyến giáp tự miễn (bệnh Hashimoto) từ trước nhưng không biết. Ở trong vùng thiếu iod, có bệnh từ trước hay khi có thai bệnh sẽ nặng thêm. Trước đó bị cường giáp đang dùng thuốc chống cường giáp. Lần có thai trước đã bị suy giáp, lần có thai sau vẫn bị bệnh hay bệnh nặng thêm.
Thai phụ bị suy giáp có thể dẫn đến thiếu máu, đau yếu cơ, suy tim, chậm chạp, táo bón. Nếu nhẹ, thai phụ không có gì đặc biệt nên khó nhận biết. Thai phụ vẫn sinh nở bình thường. Nếu nặng sẽ bị chảy máu nhiều khi đẻ; cũng có thể có các biến chứng sản khoa khác như: tiền sản giật, bất thường ở bánh nhau.
Thai nhi ở trước tuần tuần thai thứ 10 – 12, tuyến giáp chưa hình thành nên phụ thuộc vào hoóc-môn tuyến giáp của mẹ. Sau đó, thai nhi còn phụ thuộc vào iod của mẹ để tổng hợp hoóc-môn. Nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng bị suy giáp theo. Trẻ suy giáp bẩm sinh lúc sinh ra nhẹ cân, chậm lớn, kém hoạt động, đần độn, do đó cần bổ sung levothyroxin cho bà mẹ mang thai bị suy giáp.
Trước khi có thai hay khi có thai nếu có biêu hiện nghi ngờ bị suy giáp (đặc biệt ở người nằm trong diện nguy cơ cao) thì nên khám chức năng tuyến giáp. Chỉ khi nào khám xác định chắc chắn bị suy giáp mới dùng thuốc levothyroxin.
Những điều cần lưu ý khi dùng levothyroxin
Nếu bị suy giáp thì nên chữa cho ổn định rồi mới có thai. Nếu có thai rồi mới biết bị suy giáp thì phải dùng thuốc ngay. Dùng sớm sẽ có lợi cho mẹ và thai.
Không được dùng quá liều. Vì dùng quá liều có thể bị cường giáp. Tùy theo mức quá liều mà sẽ có các biểu hiện sau: giảm cân, thèm ăn, đánh trống ngực, bồn chồn, nhịp tim nhanh và loạn, tăng huyết áp, giật rung mất ngủ, sợ nóng, sốt, rối loạn kinh nguyệt. Để tránh quá liều cần phải xác định mức độ suy tuyến giáp như định lượng thyoxin và TSH (thyroid stimulation hormon). Thông thường khởi đầu với liều thấp, rồi tăng dần từng nấc đến khi đạt được hiệu lực thì dùng liều duy trì.
Levothyoxin không đi qua hàng rào nhau thai nên không gây hại thai. Tuy nhiên, khi dùng cho người có thai cần điều chỉnh liều thích hợp cho từng thời kỳ.
Theo đó, trong quá trình điều trị cần tuân thủ việc xét nghiệm định kỳ chức năng tuyến giáp (cứ sau 6 – 8 tuần điều trị cần xem lại chức năng tuyến giáp).
Với người có bệnh tim mạch, dùng levothyoxin liều cao có thể gây cường giáp làm nhịp tim nhanh, tăng huyết áp. Liều dùng cho người suy tim phải thấp hơn liều cho người bình thường.
Levothyroxin còn làm nặng thêm bệnh đái tháo đường, bệnh suy thượng thận. Với những người bị suy giáp kèm theo bệnh này thì thầy thuốc có biện pháp thích hợp. Người bệnh cần tự theo dõi cẩn thận và báo lại ngay cho thầy thuốc khi có các dấu hiệu bất thường.
Levothyroxin tương tác với nhiều thuốc như làm thay đổi sự thanh thải coticoid, theophylin, làm tăng nhu cầu insulin và thuốc đái tháo đường, làm giảm hiệu lực thuốc digitalis, làm tăng tác dụng của thuốc trầm cảm 3 vòng, các thuốc giống thần kinh giao cảm. Người đang dùng levothyroxin thì không được tự ý dùng các thuốc tương tác nói trên mà cần hỏi ý kiến thầy thuốc (nếu cần thiết dùng thì thầy thuốc sẽ điều chinh liều levothyroxin hay các thuốc tương tác).
Người không dùng được levothyroxin bằng đường uống thì có thể dùng đường tiêm bắp hay tĩnh mạch nhưng với liều thấp hơn. Không được trộn levothyroxin với bất cứ thuốc tiêm tĩnh mạch nào khác. Bột pha tiêm phải dùng ngay sau khi pha.
DS.CKII. Bùi Văn Uy
Theo Suckhoedoisong.vn