Qua 3 lần mổ vẫn tái phát
Bệnh nhân N.Đ.H. (48 tuổi, Quảng Ninh) bị viêm mũi xoang mạn tính lâu năm, đã mổ 3 lần nhưng gần đây lại đau đầu dữ dội vùng trán lan ra thái dương, ngạt mũi khó chịu nên tiếp tục nhập viện.
BS Trần Thế Quang, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trường hợp của bệnh nhân H. trước đó đã từng mổ nhiều lần, điều này sẽ gây khó khăn cho các phẫu thuật viên bởi cấu trúc giải phẫu trong xoang mũi của bệnh nhân không còn bình thường. Nhờ sử dụng IGS trong phẫu thuật nên kiểm soát các xoang chính xác hơn, vào gần các tổ chức như ổ mắt, sàn sọ... để giải quyết triệt để bệnh tích nên bệnh không còn đáng ngại. Chỉ sau 1 ngày, tình trạng đau nhức thuyên giảm đáng kể, bệnh nhân phục hồi tốt và ăn uống bình thường.
Viêm mũi xoang mạn tính là bệnh lý tai mũi họng thường gặp. Xoang là các hốc rỗng bên trong khối xương sọ, lót giữa các hốc xoang này là lớp niêm mạc mô mềm. Khi lớp niêm mạc này bị tổn thương hay nhiễm trùng sẽ gây nên viêm xoang. Lớp niêm mạc lúc này sẽ có dấu hiệu sưng tấy, có thể tiết dịch hoặc mủ gây tắc nghẽn hốc xoang. Tình trạng tắc nghẽn các hốc xoang, đặc biệt là xoang mũi dẫn đến sự chèn ép các dây thần kinh vùng mặt, khiến bệnh nhân đau đầu, choáng váng... Bên cạnh đó, việc tiết ra nhiều dịch, mủ bên trong hốc mũi cũng gây cản trở chức năng hô hấp, khiến bệnh tình ngày một nặng nề. Đặc biệt, bệnh rất dễ tái phát khi các yếu tố bên ngoài (vi sinh vật, bụi, các loại khí…) tác động lên cơ thể...
Định vị 3 chiều tránh được nhiều biến chứng
Theo BS Vũ Thành Khoa, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khi điều trị nội khoa thất bại, dẫn lưu các xoang bít tắc gây ứ đọng dịch hay thoái hóa niêm mạc nhất là khi thành polyp sẽ phải phẫu thuật. Phẫu thuật mũi xoang thường sẽ khó khăn trong trường hợp có tổn thương viêm lan rộng, xâm lấn vào các cấu trúc kế cận như ổ mắt, sàn sọ, hố chân bướm hàm... hoặc các trường hợp đã từng thực hiện phẫu thuật làm mất đi các mốc giải phẫu thường gặp hay người bệnh có cấu trúc giải phẫu bất thường.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang đã thay thế cho phương pháp truyền thống trước đây với nhiều ưu điểm vượt trội như ít xâm lấn, giảm phù nề sau mổ, người bệnh phục hồi nhanh. Tuy nhiên, phẫu thuật này còn hạn chế do tầm nhìn bị giới hạn, phẫu trường quan sát không toàn diện sẽ khiến phẫu thuật viên khó khăn khi bộc lộ, kiểm soát những tổn thương lan rộng, gây ra chảy máu vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ tác động vào các tổ chức quan trọng nguy hiểm khó lường.
Ứng dụng IGS là một giải pháp ưu việt khắc phục những hạn chế của phẫu thuật nội soi thông thường. Nhờ hệ thống này phẫu thuật viên có thể nhận biết chính xác vị trí các mốc giải phẫu trong xoang mũi, cũng như vị trí của dụng cụ ở đâu trong hốc mổ để đảm bảo an toàn khi phẫu thuật, tránh các vùng nguy hiểm như hốc mắt, sàn sọ…
Đặc biệt, với những trường hợp cấu trúc giải phẫu mũi xoang bất thường hay không còn nguyên vẹn do đã từng phẫu thuật trước đó thì việc ứng dụng IGS sẽ phát huy hiệu quả khi xác định được các mốc giải phẫu quan trọng, giúp phẫu thuật viên mở lấy bệnh tích được tối đa với xâm lấn tối thiểu, nhờ đó hạn chế tái phát, giảm xơ dính và nguy cơ tai biến trong phẫu thuật. Cuộc mổ diễn ra an toàn, nhanh chóng sẽ làm giảm thời gian gây mê, hậu phẫu ngắn, bệnh nhân phục hồi nhanh, triệu chứng bệnh thuyên giảm đáng kể, sức khoẻ tiến triển tốt.
Tại Việt Nam, sử dụng IGS vào nội soi mới được thực hiện ở một số bệnh viện lớn tuyến T.Ư, Quảng Ninh là một trong những tuyến tỉnh đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật này vào điều trị cho bệnh nhân.
Kết quả thực hiện cho gần 40 trường hợp cho thấy: không có trường hợp nào biến chứng nghiêm trọng trong và sau phẫu thuật. Gần 90% các bệnh nhân có tiến triển tích cực, bệnh nhân phục hồi tốt sau mổ, hốc mổ sạch, thông thoáng sau 3 tháng phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân đều cải thiện các triệu chứng so với trước phẫu thuật, tỷ lệ xơ dính, sẹo sau phẫu thuật chỉ chiếm 5%.