Nỗi đau tâm thần kỳ 5: Chạy chữa khắp nơi hóa ra bị stress

(khoahocdoisong.vn) - Nợ xây nhà chưa trả xong chị Đỗ Phương H., 38 tuổi lại phải đi chữa bệnh khắp nơi vì đau đầu, mất ngủ, dạ dày trào ngược, tim mạch... Cuối cùng chị phải nhập viện điều trị stress.

Mất tiền chữa sai bệnh

Nhìn chị H. trong phòng bệnh, ai cũng nghĩ chị là người nhà đi chăm sóc người  bệnh. Nhưng chị lại chính là bệnh nhân đang được điều trị.

Chị là kế toán, lấy chồng, sinh 2 đứa con phát triển bình thường. Chuyện bắt đầu từ khi vợ chồng chị quyết định xây nhà, phải vay mượn nhiều. Chồng công tác xa không giúp đỡ được nhiều, một tay chị vừa lo xây nhà, vừa chăm con, lo kinh tế...  khiến chị thấy đau đầu, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, rơi vào trạng thái hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực và mắc chứng dạ dày trào ngược…

Chị đã điều trị khắp nơi cả tuyến địa phương và TƯ với đủ các khoa bệnh: Tim mạch, thần kinh, tiêu hóa...rồi cúng lễ, uống thuốc Nam...nhưng các biểu hiện trên không thuyên giảm. 1 năm nay chị phải nghỉ việc. Nợ tiền xây nhà, lại cộng thêm tiền vay để chữa bệnh, khiến bệnh tình của chị càng trầm trọng. Chỉ đến khi gia đình đưa đến Viện sức khỏe tâm thần thì mới hay bệnh của chị không phải do thực thể mà là biểu hiện bệnh do stress.

TS.Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp mất nhiều tiền chữa sai bệnh như của chị H. không hiếm. Stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng. Trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý, tạo ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.

Stress gây bệnh phụ thuộc vào nhân cách

Có hai thể stress. Một là stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm… Khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể. Thứ hai là stress bệnh nguyên, bệnh sinh phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân...

TS. Dương Minh Tâm nhấn mạnh, stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh hoặc nếu bị bệnh cũng dễ khỏi. Với người có nhân cách yếu thì chỉ sau một stress nhẹ cũng có thể mắc và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.

Một cơ thể khoẻ mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân cách để chống lại stress. Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn theo hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự  quan tâm, hỗ trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện….  

Thống kế của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan đến stress. 30-50% số bệnh nhân không được phát hiện ở y tế cơ sở hoặc đa khoa. Hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần. Chi phí cho stress vô cùng lớn, gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường...

Theo Đời sống
back to top