Mộ Ninh vương Mạc Phúc Tư tại Hải Phòng.
Chết thảm trong chiến trận
Tháng 2 năm Giáp Tý (1564) vua Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên băng hà, Thái tử Mạc Mậu Hợp lên nối ngôi (1562- 1592). Các hoàng thân Khiêm vương Kính Điển, Ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng phụ chính, Ninh vương vẫn giữ chức cũ, hết lòng lo liệu công việc giữ trấn phên dậu.
Tháng 10 năm Canh Thìn (1580), Khiêm Đại vương bị bệnh qua đời, một mình Ứng vương Mạc Đôn Nhượng phụ chính, giữ chức Trung doanh tổng sứ.
Ứng vương không đủ sức gánh vác việc lớn quốc gia. Thế lực nhà Lê Trung hưng ngày một mạnh mà triều thần nhà Mạc lúc ấy chia rẽ, vua ít tuổi lại ham chơi, chính sự ngày càng đổ nát.
Tháng chạp năm Nhâm Thìn (1592), vua Mạc Mậu Hợp bị bắt rồi bị hại. Sau đó, Đường An vương Mạc Kính Chỉ, Đôn Hậu vương Mạc Kính Cung đã cố gắng lên ngôi vua để khôi phục cơ nghiệp, nhưng thời vận không còn, lòng người ly tán nên lần lượt đều thất bại và tan rã.
Lúc vua Hồng Ninh (Mạc Mậu Hợp) bị hại, Ninh vương vẫn kiên thủ Hải Đông. Đến năm Quý Tỵ (1593), sau khi đánh chiếm được Thăng Long, Dương Kinh, Tuyên Quang, Kinh Bắc… quân Lê – Trịnh chia đường tiến đánh Hải Đông, Ninh vương chỉ huy quân trong trấn chống cự, đồn Như Cương bị đánh tan, quân nhà Mạc chạy vào hang núi Cốt Mìn, quân Lê – Trịnh gọi hàng không được đã đốt lửa hun khói vào hang làm cho các tướng sĩ và gia nhân chết ngạt.
Thủy quân Mạc thấy vậy, phân tán rút ra các đảo, Ninh vương cùng hai thân vương khác chỉ huy một cánh quân rút về căn cứ ở Thủy Đường. Quân Lê – Trịnh truy đuổi, ba quân tướng sĩ cùng liều mình quyết chiến, đến xã Thiểm Khê thì đều bị trọng thương.
Quân Lê – Trịnh tiếp tục truy kích, ba vương đã tử trận. Con cả Ninh vương là Mạc Thuần Trực cùng tôn thất Mạc Huệ Khánh cố thủ thành Dền được 5 tháng, sau hết lương thảo phải mở đường rút chạy.
Mạc Huệ Khánh cùng con cháu chạy thoát về vùng giáp sơn, giấu họ đổi tên lập ra làng Mai Sơn, nay thuộc khu chùa Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Mộ Ba vương
Khi Ba vương tuẫn tiết, an táng tại cánh đồng làng Thiểm Khê, phần mộ ba vương dân trong vùng gọi là mả Ba vua – Nghè Đồng dưới, dân lập nghè thờ ba vị.
Sau phu nhân của Ninh vương là Đoàn Thị Từ Linh chuyển hài cốt của Ninh vương và hai con trai là Thuần Trực ở thành Dền về táng tại Đống Án, phường Câu Tử, huyện Thủy Đường.
Gia phả họ Mạc ở Câu Tử chỉ chép một phu nhân của Ninh vương là Đoàn Thị Từ Linh, người phường Hùng Khê, nay thuộc xã Hợp Thành, Thủy Nguyên.
Phu nhân sinh được ba con trai là Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai và Mạc Tảo An. Mạc Thuần Trực được lập tước, hy sinh khi thành Dền bị thất thủ năm Quý Tỵ (1593).
Mạc Đạo Trai là tướng võ, năm Quý Dậu (1573), theo Khâm vương hành quân vào Thanh Hóa, bị bắt ở lũy Phúc Bồi, Trịnh Tùng mến tài gả con gái Trịnh Thị Nhâm cho.
Mười năm sống ở Thanh Hóa đến khi họ Trịnh muốn lợi dụng ông chống lại dòng họ mình, Mạc Đạo Trai đã tự sát. Bà Trịnh Thị Nhâm vô cùng thương cảm, xin Trịnh Tùng nhận Mạc Hữu Đạo, con Mạc Thuần Trực về nuôi dạy thành tài.
Lớn lên thi đỗ làm quan tới chức Thượng xá hầu triều Lê- Trịnh. Được một thời gian, ông xin từ quan để cung dưỡng mẹ già Trịnh Thị Nhâm cho tròn đạo hiếu.
Tuấn Đạt