Ninh Bình: Bãi tập kết trung chuyển ngao gây ô nhiễm môi trường?

Mỗi ngày, có hàng chục tấn ngao được tập kết sàng lọc tại bến bãi ngao, xã Kim Trung, (Kim Sơn, Ninh Bình). Tình trạng vỏ ngao chết đổ thẳng ra đê biển Bình Minh 3 không qua xử lý gây ô nhiễm…

Vừa qua, Tòa soạn Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được phản ánh của người dân xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về việc bến bãi ngao sàng lọc - tập kết đổ thải vỏ ngao, ngao chết, ra chân đê Bình Minh 3, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân.

Theo người dân, các xe chở ngao đi tiêu thụ, có dấu hiệu quá tải, gây mất an toàn giao thông.

Có mặt tại địa điểm người dân phản ánh, phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận, trong khuôn viên bãi tập kết, có nhiều máy băng tải hoạt động phục vụ vận chuyển ngao từ tàu lên bến và từ bến bãi lên xe. Đáng nói, quá trình sàng lọc loại bỏ vỏ ngao và ngao chết, không qua xử lý mà được chở thẳng ra đê biển Bình Minh 3, đổ thải trực tiếp.

Bến bãi ngao sàn lọc tập kết ngao. Ảnh Tuấn Hải

Cận cảnh bến bãi ngao sàn lọc tập kết ngao. Ảnh Tuấn Hải

Ông N.V.H cho biết, người dân ở đây thường di chuyển qua tuyến đê Bình 3, để ra đầm nuôi trồng thủy sản; tuy nhiên mỗi lần di chuyển qua cảm thấy rất khó chịu vì mùi ngao chết bốc lên, nhất là những ngày nắng nóng.

“Di chuyển qua đoạn đường này mùi hôi thối, bốc lên từ đống vỏ ngao và ngao chết, rất khó chịu. Đồng thời còn phải tránh né xe tải chở ngao chạy rầm rầm rất nguy hiểm, trong khi trọng tải đường đê cho phép xe có trọng tải dưới 12 tấn”, ông N.V.H bức xúc.

Người dân cho biết, đã nhiều lần phản ánh tình trạng này tới chính quyền địa phương, nhưng sự việc vẫn không được xử lý dứt điểm, tình trạng vỏ ngao chất đống ra đường bao đê vẫn diễn ra, khiến người dân rất bức xúc.

Để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc trên và tìm hiểu về giấy phép hoạt động của bến bãi tập kết ngao này, phóng viên đã liên hệ tới UBND xã Kim Trung. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Kim Trung, Vũ Trường Thu cho biết, bến ngao nằm ngoài đê Bình Minh 3, do UBND huyện quản lý, xã chỉ quản lý về an ninh trật tự.

“UBND huyện có một tổ công tác ở đây, nếu có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, thì xã sẽ cùng tổ công tác của huyện xử lý”, ông Thu cho biết.

Vỏ ngao chết chất thành núi dọc bờ đê bao. Ảnh Tuấn Hải

Ngao chết và vỏ ngao được chất thành núi bên đường bao đê. Ảnh Tuấn Hải

Về nguồn gốc bến ngao, ông Thu cho biết, trước đây, bến này dùng để trung chuyển vật liệu thi công đê Bình Minh 3. Tuy nhiên, sau khi thi công xong đê Bình Minh 3 không tháo dỡ, mà chở thành bến bãi bốc xếp ngao.

Chủ tịch xã Kim Trung cũng cho biết đã báo cáo sự việc lên UBND huyện; đồng thời phối hợp với tổ công tác của huyện, tổ chức tuyên truyền tới người dân. “Tháng 4/2024, họ thuê xe xử lý khoảng 200 tấn vỏ ngao, nhưng sau đó lại tiếp tục bồi lên”, ông Thu cho hay.

Theo ông Thu, việc xử lý cũng gặp vấn đề khó, vì bến ngao đã tồn tại từ lâu đồng thời đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 - 30 người địa phương. Chủ tịch UBND xã Kim Trung cũng cho rằng để chấm dứt tình trạng bến ngao gây ô nhiễm nêu trên: UBND huyện cần phải có những biện pháp xử lý dứt điểm, hoặc những hướng dẫn cụ thể cho UBND xã và người dân...

Để đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ đê biển, đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như an toàn giao thông cho người dân địa phương, thiết nghĩ: Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, chính quyền huyện Kim Sơn, cùng lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông quản lý địa bàn, khẩn trương vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn việc đổ thải trên;

Đồng thời rà soát, kiểm tra hồ sơ pháp lý hoạt động của các bến bãi nêu trên, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn tuyến đê biển Bình Minh 3.

Theo VietnamDaily
back to top