Những vấn đề sức khỏe có thể xảy ra sau Tết

Theo bác sĩ, bạn cần đi khám kịp thời nếu gặp phải những dấu hiệu sức khỏe bất thường và tránh “kiêng kỵ” đi bệnh viện đầu năm làm ảnh hưởng đến việc trị bệnh.
Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến gan và tim mạch sau Tết. Ảnh: Pexels.

Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến gan và tim mạch sau Tết. Ảnh: Pexels.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), dịp Tết, mọi người có thể hình thành nhiều thói quen không tốt như uống ít nước, tiêu thụ quá nhiều thịt, ăn ít rau củ quả, ít vận động hay thức khuya. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, cơ thể có khả năng gặp phải những vấn đề dưới đây.

Suy chức năng gan

Những buổi tiệc ngày Tết thường có nhiều thực phẩm giàu đạm và chất béo cũng như nhiều đồ uống có cồn. Việc tiêu thụ nhiều rượu, bia khiến gan làm việc quá sức, gây suy giảm chức năng gan, dẫn đến chán ăn, men gan tăng cao và có thể gây vàng da.

Trong trường hợp này, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác tình trạng. Đồng thời, hạn chế rượu, bia và đồ ăn chế biến sẵn, chiên, xào hay rán là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm các loại thảo dược hỗ trợ gan, giúp cơ thể thải độc nhanh hơn.

Căng thẳng và mất ngủ

Bác sĩ Hoàng cho biết việc ăn uống sinh hoạt không điều độ, ăn quá nhiều chất hoặc bỏ bữa kèm theo thức khuya, dùng đồ uống có cồn và ít tập thể dục khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, dẫn đến thiếu ngủ và căng thẳng.

Nếu gặp các triệu chứng trên ở mức độ nhẹ, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường tập luyện hoặc dùng một số thảo dược có tác dụng an thần. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán cụ thể.

Viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản

Người từng mắc những bệnh trên có thể tái phát bệnh nếu sống trong thời tiết lạnh, ăn uống thất thường, lạm dụng rượu, bia hay bị căng thẳng quá mức. Việc sinh hoạt không lành mạnh khiến dạ dày rối loạn tiết dịch, rối loạn co thắt đường tiêu hóa, từ đó xuất hiện cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội ở vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi hay ợ chua và có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa.

Lúc này, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được hướng dẫn dùng thuốc phù hợp như thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng, thuốc chống co thắt đường tiêu hóa, thuốc giảm tiết axit...

Khó tiêu, táo bón và hội chứng ruột kích thích

Dịp Tết, tiêu thụ nhiều loại thực phẩm lẫn lộn có thể khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, gây ra đầy bụng, khó tiêu, thậm chí táo bón, hoặc gây rối loạn co thắt đại tràng khiến cơ thể mệt mỏi.

Theo bác sĩ Hoàng, để kiểm soát tình trạng này tại nhà, bạn cần uống đủ nước, ăn nhiều rau, bổ sung lợi khuẩn đường ruột và tránh thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, việc chườm ấm và xoa bóp vùng bụng theo chiều kim đồng hồ quanh rốn cũng giúp cơ thể dễ chịu hơn.

Để tránh gặp các vấn đề về tiêu hóa và mất nước, bạn cần ăn nhiều rau củ, trái cây và uống từ 2l nước/ngày. Ảnh: Splenda.

Để tránh gặp các vấn đề về tiêu hóa và mất nước, bạn cần ăn nhiều rau củ, trái cây và uống từ 2l nước/ngày. Ảnh: Splenda.

Các bệnh về tim mạch và hô hấp

Nhóm bệnh này thường xảy ra ở các bệnh nhân có bệnh mạn tính. Trong dịp Tết, nếu sinh hoạt không lành mạnh, ăn ngủ thất thường hay không uống thuốc đúng giờ, họ có thể khiến bệnh tình diễn biến nặng hơn.

Tăng huyết áp

Các món ăn ngày Tết thường có hương vị đậm đà, nếu ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến bệnh tăng huyết áp. Bên cạnh đó, nếu không uống thuốc đúng giờ hoặc quên uống thuốc, kèm theo mất ngủ và thời tiết lạnh, bệnh nhân dễ bị co thắt mạch máu, khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Đột quỵ

Bệnh này thường xảy ra ở người có bệnh mạn tính như xơ vữa mạch máu, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp... Việc ít vận động, dùng rượu, bia, quên uống thuốc hay thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến bệnh nhân suy yếu, liệt nửa người, nói ngọng hay nói khó, mặt bị méo sang một bên, mất ý thức hoặc thậm chí hôn mê. Do đó, người thân cần nhận biết sớm các triệu chứng này và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Bệnh thường xảy ra ở người có sức đề kháng yếu hoặc đang có sẵn các bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Việc không giữ ấm cơ thể, nhiễm lạnh sau khi uống rượu, bia làm tình trạng bệnh nặng thêm, có thể nhiễm virus đường hô hấp gây sốt, co thắt đường thở, suy hô hấp…

Tăng đường huyết, hạ đường huyết

Bệnh nhân đái tháo đường có thể xảy ra tình trạng tăng đường huyết (mệt mỏi, thể lực giảm, lơ mơ...) hoặc hạ đường huyết (lơ mơ, vã mồ hôi lạnh) do ăn uống không điều độ và thường xuyên bỏ bữa. Cách xử lý tại nhà là dùng thuốc hạ đường huyết (nếu tăng) hoặc uống nước đường và trà gừng.

Nguồn:zing.vn

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top