Ảnh minh họa.
Biểu hiện kết hợp cần gọi cấp cứu khẩn cấp
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tim mạch Việt Nam cảnh báo, người dân chớ nên chủ quan với phù chân. Bởi có rất nhiều nguyên nhân gây phù: Suy thận cấp; Bệnh cơ tim; Xơ gan; Huyết khối tĩnh mạch chi dưới; Suy tim; Phù mạch bạch huyết; Hội chứng thận hư; Một số thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen; Viêm màng ngoài tim; Có thai; Một số thuốc điều trị tiểu đường hoặc tăng huyết áp; Huyết khối động mạch chi dưới; Suy tĩnh mạch chi dưới…
Như vậy, phù là biểu hiện không bình thường và là dấu hiệu tiềm tàng của bệnh cần phải đến khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân của phù, giúp điều trị sớm và đạt hiệu quả nhất.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhấn mạnh, người dân cần phải theo dõi chân phù. Trường hợp chân phù kèm theo bất kỳ các dấu hiệu như: Đau ngực; Khó hít vào; Cảm giác khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm đầu bằng; Ngất hoặc choáng váng; Ho máu… thì cần phải gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhờ ai đưa đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất (nếu như không thể gọi xe cấp cứu được) vì đó có thể là dấu hiệu của tắc mạch máu phổi hoặc một bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác.
Ngoài ra, khi gặp những tình huống phù dưới đây cũng cần khám cấp cứu:
– Tự nhiên bị phù chân đột ngột mà không thấy nguyên nhân rõ ràng
– Liên quan đến các chấn thương như bị ngã, chấn thương khi chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông
– Phù xảy ra ở một chân kèm đau dữ dội hoặc chân trở nên tím, tái, lạnh
Với những trường hợp khác, không phải cấp cứu thì bệnh nhân bị phù chân cũng nên đặt hẹn khám với bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể phát hiện được các bệnh lý nền gây nên tình trạng phù chân.
Mẹo giảm phù chân
Các chuyên gia cho biết, trường hợp phù chân chờ khám hoặc phải theo dõi theo chỉ định của bác sĩ. Hãy thực hiện một số mẹo giảm phù như sau:
– Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày
– Đặt một cái gối dưới chân của bạn khi nằm ngủ có thể giúp giảm mức độ phù chân nếu nguyên nhân là do quá tải dịch
– Hãy mặc quần hoặc tất có kích cỡ thoải mái, co giãn được. Tránh mang tất, quần chật. Nếu có thể nhìn thấy những mấu lằn của quần khi mặc thì có lẽ nó quá chật. Hãy đổi chiếc khác rộng hơn.
– Nếu cần phải đứng trong một thời gian dài, hãy dành ra những khoảng nghỉ ngắn để đi lại một chút. Nếu phải ngồi lâu, hãy kê một chiếc ghế nhỏ dưới chân để chân đỡ bị thõng. Thỉnh thoảng hãy đứng lên, đi lại quanh phòng.
– Nếu bạn nghi ngờ phù chân là do tác dụng phụ của thuốc thì cũng không nên ngưng thuốc đột ngột. Hãy liên hệ bác sĩ để xin ý kiến hoặc để được hướng dẫn sử dụng loại khác thay thế.
Hà Tường