Những điều chưa biết về người tìm ra Insulin - Thần dược cho người tiểu đường

Từ đầu thế kỷ 20, các bệnh nhân tiểu đường có thể sống một cuộc đời ổn định, lâu dài và hữu ích hơn nhờ một loại “thần dược” - đó là chất Insulin.
Nhung dieu chua biet ve nguoi tim ra Insulin - Than duoc cho nguoi tieu duong
Bác sỹ Frederick Banting (phải) và Charles Best - những người đầu tiên tìm ra phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường bằng Insulin. (Nguồn: Đại học Toronto)

Trước khi tìm ra Insulin, những người mắc bệnh tiểu đường được xem là nhận án tử hình vì không có phương pháp cứu chữa.

Vào ngày 27/7/1921, bác sỹ phẫu thuật người Canada Frederick Banting và sinh viên y khoa Đại học Toronto Charles Best lần đầu tiên phân lập thành công hormone Insulin.

Sự kiện đánh dấu một trong những bước đột phá quan trọng nhất trong lịch sử điều trị bệnh tiểu đường.

Chỉ một năm sau đó, những người mắc bệnh tiểu đường đã được điều trị bằng Insulin.

Chính nhờ phát kiến lịch sử này mà bác sỹ Frederick Banting đã được trao giải thưởng Nobel Y học cách đây 100 năm, vào ngày 10/12/1923.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường từ chế độ ăn giàu thực vật

Việc thay thế một khẩu phần thịt chế biến mỗi ngày bằng một phần ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt hoặc đậu sẽ giúp giảm từ 23-36% nguy cơ bị đột quỵ, đau tim và bệnh tim mạch vành.

Frederick Banting sinh ngày 14/11/1891 tại Alliston, Ontario, Canada.

Khi còn là một học sinh trung học, Banting không được bạn bè để ý đến vì sức học trung bình, không có gì xuất sắc.

Tốt nghiệp trung học, ông theo học thần học tại Đại học Toronto trước khi chuyển sang học y khoa.

Ngay sau khi tốt nghiệp trường y năm 1916, Banting gia nhập Quân y Hoàng gia Canada, rồi đi chăm sóc thương binh trong các tiểu đoàn lính Canada tại chiến trường Pháp.

Do sự tận tụy và can đảm nơi chiến trường, Banting đã được Hoàng gia Anh tặng thưởng Bội tinh Chiến công.

Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Banting trở về Toronto, làm bác sỹ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Nhi đồng Toronto và tham gia dạy tại Đại học Y khoa Western Ontario.

Nhung dieu chua biet ve nguoi tim ra Insulin - Than duoc cho nguoi tieu duong-Hinh-2
Phòng thí nghiệm trong khuôn viên Đại học Toronto, nơi bác sỹ Banting và Best thực hiện một số nghiên cứu về Insulin. (Nguồn: Đại học Toronto)

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, còn rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng chưa có biện pháp điều trị hiệu quả, trong đó có bệnh tiểu đường.

Banting bắt đầu quan tâm đến bệnh tiểu đường sau khi đọc một báo cáo y khoa về chức năng của tuyến tụy, trong đó khẳng định bệnh tiểu đường xuất hiện là do tuyến tụy không bảo đảm được chức năng bình thường.

Nhiều bác sỹ khác cũng cho rằng các tế bào biệt hóa, được gọi là tiểu đảo Langerhan, sản sinh ra một hóa chất giúp cơ thể điều hòa nồng độ đường trong máu. Bệnh tiểu đường xuất hiện khi hóa chất này không được sản sinh.

Hết sức quan tâm đến vấn đề này, bác sỹ Banting bắt tay vào nghiên cứu về bệnh tiểu đường.

Trong khi nghiên cứu, ngày 31/10/1920, ông đưa ra ý tưởng lấy chất Insulin từ tuyến tụy tạng của chó.

Ông thảo luận ý kiến của mình với giáo sư J.J. R. Macleod tại Đại học Toronto và được cấp cho một phòng thí nghiệm và một phụ tá là sinh viên Charles Best. Best sau này trở thành một bác sỹ nổi tiếng của Canada.

Trong suốt mùa Hè làm việc cần mẫn, Banting và Best đã cắt bỏ tuyến tụy của những chú chó và hậu quả là chúng bị đái tháo đường. Họ đã cố gắng tinh chế ra một hormone hóa học từ tụy và chiết xuất nhiều thành phần từ tiểu đảo Langerhan.

Sau đó, những chất này được tiêm vào chú chó bị đái tháo đường để thử nghiệm và họ nhận thấy bệnh đái tháo đường bị đẩy lùi.

Ban đầu, thuốc tiêm lẫn nhiều tạp chất và thường gây tai biến nguy hiểm. Với sự giúp sức của giáo sư Macleod và hóa học gia James Collip, đội ngũ các nhà khoa học đã tạo ra được tinh chất chiết xuất từ tiểu đảo Langerhan - chất Insulin, bảo đảm đủ độ tinh khiết để thử nghiệm trên người bệnh.

15 tháng kể từ khi bác sỹ Banting đề ra ý tưởng lấy chất Insulin từ tuyến tụy tạng của chó, ngày 11/1/1922, Leonard Thomson - 14 tuổi - đã được điều trị thành công ở Bệnh viện Toronto bằng Insulin.

Thomson đã sống được đến ngày 20/4/1935, sau 13 năm 3 tháng tiêm Insulin. Thành quả nghiên cứu đã mở ra một chương mới trong quá trình điều trị và cứu sống hàng triệu bệnh tiểu đường.

Với khám phá này, bác sỹ Banting và giáo sư Macleod được đề cử và được trao giải thưởng Nobel Y học vào ngày 10/12/1923.

Ngoài giải thưởng Nobel, bác sỹ Banting còn được Nghị viện Canada quyết định cấp cho một số tiền hàng năm là 7.500 đôla Canada và được lĩnh trọn đời. Năm 1934, ông được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sỹ.

Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, ngày 21/2/1941, bác sỹ Banting đã mãi mãi ra đi trong một tai nạn máy bay.

Từ thành quả nghiên cứu khoa học của Banting cùng các cộng sự, năm 1928, Oskar Wintersteiner đã chứng minh rằng Insulin là một protein.

Nhung dieu chua biet ve nguoi tim ra Insulin - Than duoc cho nguoi tieu duong-Hinh-3
Nhân viên y tế lấy mẫu máu để thử đường huyết cho một bệnh nhân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 1955, Frederick Sanger, người đoạt giải thưởng Nobel, đã tìm ra chuỗi axit amin của Insulin người. Điều này đã cho phép các nhà khoa học tạo ra một gene Insulin, dùng để tạo ra chủng vi khuẩn biến đổi di truyền có khả năng sản sinh ra số lượng lớn Insulin với độ tinh khiết cao.

Insulin được sản xuất thương mại bằng việc chiết suất chất này từ tụy của bò và lợn thịt.

Trải qua nhiều thập niên nghiên cứu, nhiều loại Insulin với thời gian tác dụng khác nhau và giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ đã được sản xuất, giúp tối ưu hóa lượng đường huyết cho người bệnh tiểu đường.

Để ghi nhớ công lao của bác sỹ Banting, Hiệp hội Tiểu đường Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới lấy ngày 14/11 hằng năm - ngày sinh của bác sỹ Banting- làm Ngày phòng chống bệnh tiểu đường trên toàn thế giới, nhằm gia tăng nhận thức của người dân toàn cầu trong việc phòng chống bệnh tiểu đường./.

Theo Đời sống
back to top