Những dấu hiệu của bệnh lý cột sống cổ

Bệnh lý liên quan đến cột sống cổ ngày càng gặp nhiều, đặc biệt là ngay cả với những người rất trẻ tuổi. Dưới đây là những triệu chứng chính “mách bảo” cột sống cổ có vấn đề cần mà không thể chủ quan cần đi khám ngay.

Ảnh minh họa.

Đau vùng cổ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, thường xuất hiện sớm đối với những ai có vấn đề về cột sống cổ. Có thể đau cổ lan lên chẩm gáy hoặc đau cổ lan xuống hai vai, những cơn đau thường kèm theo co cứng khối cơ cột sống cổ, quay cổ hạn chế, đau thường tăng lên khi ngồi lâu một tư thế, sau nằm ngủ kê gối cao, khi lái xe đường dài. Những cơn đau này thường đáp ứng với những loại thuốc giảm đau thông thường.

Đau lan dọc xuống tay: Do các dây thần kinh bị chèn ép-đặc trưng của nhóm bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Đau sâu trong cơ, xương, cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi buốt nhói như dao đâm hoặc như bị điện giật. Đau thường chiếm ưu thế ở vai-cánh tay, kèm cảm giác tê bì và dị cảm ở đầu các ngón. Đau tăng khi vận động, khi ho, hắt hơi và cũng đáp ứng với những loại thuốc giảm đau thông thường.

Tê bì tay, chân: Thường đi kèm với triệu chứng đau. Bệnh nhân có cảm giác tê bì hoặc kiến bò ở tay, khi tê bì cả tay và chân là dấu hiệu nghiêm trọng, tiên lượng nặng nề hơn. Vùng rối loạn cảm giác có giá trị giúp người bác sĩ định hường chẩn đoán vị trí bị tổn thương cột sống cổ.

Mất sự khéo léo của đôi bàn tay: Đây là dấu hiệu tiên lượng bệnh nặng, biểu hiện tủy thần kinh đã bị chèn ép trong một thời gian dài. Bệnh nhân thường giảm hoặc mất sự khéo léo trong các động tác hằng ngày như cài cúc áo, gắp thức ăn bằng đũa, chữ viết xấu, run tay..Thường bệnh nhân không nhận ra được dấu hiệu này sớm, chỉ khi đôi tay trở nên vụng về mới nhận ra, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Teo cơ tay, yếu tay, đi sợ ngã: Đây là những dấu hiệu rất muộn của các bệnh lý cột sống cổ. Bệnh nhân có thể teo cơ cánh tay, cẳng tay hoặc khoảng giữa các xương bàn tay kèm theo đôi tay trở nên mất trương lực cơ, yếu đuối. Một số bệnh nhân thay đổi dáng đi:  đi loạng choạng sợ ngã, hai chân yếu, khuỵu gối, sợ bước đi trên những con đường mấp mô.

ThS Trần Quốc Khánh

(Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top