Nhóm người dễ mắc đậu mùa khỉ

Hiện trên thế giới đã có hơn 90.630 ca đậu mùa khỉ (Mpox) được xác định. Tại Việt Nam có 56 ca và mầm bệnh đã xâm nhập cộng đồng. Mpox được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Hỏi: Mới đây, Bộ Y tế công bố mầm bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra cộng đồng với nhiều ca mắc. Xin hỏi, ai có thể mắc bệnh hay bệnh chỉ lây truyền ở những người quan hệ tình dục đồng giới và nhiễm HIV?

Nguyễn Văn Thành (Hà Nội)

Trả lời: Hiện trên thế giới đã có hơn 90.630 ca đậu mùa khỉ (Mpox) được xác định. Tại Việt Nam có 56 ca và mầm bệnh đã xâm nhập cộng đồng. Mpox được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Mpox lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, da kề da với người bị phát ban trông giống Mpox, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Hiện vẫn chưa xác định được người bệnh có thể lây truyền bệnh trong bao lâu, nhưng nói chung, người bệnh vẫn có khả năng lây bệnh cho người lành cho tới khi tất cả các tổn thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới. Ở những người sống chung với người mắc Mpox thì tỷ lệ lây nhiễm bệnh khoảng 50%.

Virus Mpox có thể lây qua giọt bắn hô hấp và có thể qua hạt bụi khí (aerosol) phạm vi gần. Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người mang thai sang thai nhi, sau sinh qua tiếp xúc da với da, hoặc từ cha mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần.

Bệnh cũng lây truyền qua những vật dụng bị lây nhiễm chạm vào quần áo, ga, gối, khăn mặt, các đồ vật, dụng cụ ăn như bát/đĩa, xoong chảo, đồ điện tử hoặc các bề mặt....

Tuy Mpox ghi nhận phần lớn ở nam giới trẻ, có quan hệ tình dục đồng giới, nhiễm HIV..., nhưng tất cả mọi người đều có thể mắc Mpox, bất kể chủng tộc, giới tính, hay xu hướng tình dục.

Đa số trường hợp bị nhiễm virus Mpox là đợt bệnh nhẹ, tự biến mất mà không cần điều trị cụ thể. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ chuyển biến rất nặng, gồm: Người có HIV chưa kiểm soát được tình trạng bệnh, hoặc người măc một số bệnh ngoài da, bệnh nặng: bệnh xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm não, người mắc bệnh tự miễn, suy giảm miễn dịch, ung thư....

Vì vậy, để bảo vệ bản thân, không dùng chung đồ dùng ăn uống, quần áo hoặc các vận dụng khác mà người mắc Mpox đã thực sử dụng.

Thực hành các biện pháp quan hệ tình dục an toàn hơn như hạn chế số lượng bạn tình hoặc quan hệ tình dục ảo.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Theo Đời sống
back to top