Nhật ký săn Covid-19: “Tôi không cô độc trong cuộc chiến này”

(khoahocdoisong.vn) - Bây giờ, nhớ lại khoảnh khắc nhận kết quả test định kỳ của nhóm vào trưa chủ nhật tuần trước, tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Chính tôi là người lấy test nhanh, nhỏ 3 giọt vào khay và cũng là người đọc kết quả. 2 người 2 vạch! Cảm xúc thật lẫn lộn…

Những điều tốt đẹp trong khoảnh khắc cách ly!

Mọi người được lấy PCR để khẳng định kết quả. 2 đồng đội của tôi được chuyển sang khu cách ly tập trung. Tất cả đều nín thở… 22h15, kết quả PCR trả về. Không phải 2 người, mà là 5 người. Và cứ như vậy, người (+) chuyển đi điều trị, 10 người còn lại mặc nhiên trở thành F1, được chuyển cách ly tập trung.

Lê Nguyễn Hải Đăng và đồng đội trong cuộc chiến níu lại an bình cho Sài Gòn.

Lê Nguyễn Hải Đăng và đồng đội trong cuộc chiến níu lại an bình cho Sài Gòn.

Tôi tin những chuyện đang xảy ra rồi cũng sẽ đến hồi kết, dù rằng những hậu quả để lại là rất lớn. Nhưng mọi người có nhận ra được những điều tốt đẹp trong những điều tồi tệ đó không? Đó là những tấm lòng sẻ chia, những chuyến xe nối dài từ Bắc chí Nam để vận chuyển lương thực, những sự chi viện, những lời động viên từ khắp mọi miền trên cả nước.

“Phải, tôi không cô độc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 này!”.

“Phải, tôi không cô độc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 này!”.

Tôi rất hạnh phúc khi thấy những người “đồng nghiệp” của tôi, vốn sống tại những nơi có lẽ tôi chưa bao giờ đặt chân đến, nay lại hòa cùng nhịp đập với các y bác sĩ, các chú công an, các tình nguyện viên tại mảnh đất này để cùng nhau hồi sức và cứu lấy nó. Những sự hy sinh đó lại thúc đẩy bản thân tôi thêm một lần nữa khẳng định một điều rằng: “Phải, tôi không cô độc trong cuộc chiến này”.

Không biết phải nói gì về cảm xúc của tôi trong tuần qua nữa. Mọi thứ đến quá dồn dập. Bây giờ tôi và đồng đội ai cũng nhớ nhà và còn nhớ nhau nữa.

Thành phố đã huy động hết tất cả lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, tình nguyện viên cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thành phố đã huy động hết tất cả lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, tình nguyện viên cho công tác phòng chống dịch Covid-19. 

“Nếu cuộc sống hiện tại không thể bình yên như những đám mây, vậy hãy mạnh mẽ mà trở thành đám mây ấy, đem lại bình yên cho mọi người, gia đình và bản thân tôi nữa”. Tôi vui vì tôi và đội của tôi đã góp được một ít công sức để níu lại an bình cho Sài Gòn. Nhưng bây giờ có lẽ tôi và mọi người sẽ phải tạm xa Sài Gòn một chút để hồi sức rồi. Sài Gòn giữ gìn sức khỏe Sài Gòn nhé!

Đặc sản Sài Gòn, thiện tâm và tử tế với nhau

Thời gian qua có lẽ thành phố đã phải huy động hết tất cả lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa, tình nguyện viên cho công tác phòng chống dịch và cả công tác tiêm chủng nữa. Có khoa chỉ còn 1 - 2 bác sĩ, có bệnh viện chỉ còn 1/3 số lượng nhân viên y tế, còn lại hầu hết phải lên đường để tham gia cuộc chiến, bất kể ngày đêm mưa nắng. Những sự hy sinh, vất vả có lẽ không từ ngữ nào diễn tả được…

Miệt mài nhập liệu ban ngày...

Miệt mài nhập liệu ban ngày... 

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 quả thực là một ác mộng đối với nhóm chúng tôi cũng như lực lượng y tế. Hằng ngày, sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ trước mắt chúng tôi chỉ vỏn vẹn 3 chữ “Mẫu bệnh phẩm” mà thôi. Cũng phải, vào thời điểm đó, theo chỉ thị, năm quận/huyện: Bình Tân, Tân Phú, Quận 8, Hóc Môn và Bình Chánh phải lấy 500.000 mẫu/ngày, tính ra năm ngày sẽ là 2.500.000 mẫu - một con số lớn hơn điểm nóng Gò Vấp cách đây một tháng rất nhiều. Với tôi, đó là một con số không tưởng.

... Ban đêm...

... Ban đêm...

Và nếu có đạt được mục tiêu đó, công sức bỏ ra sẽ là rất rất nhiều. Bởi vì làm gì có người nào một ngày chỉ ngủ vỏn vẹn 3 - 4 tiếng và cứ như thế rất lâu rồi, tất cả thời gian còn lại chôn vùi với việc lấy mẫu, xử lý mẫu bệnh phẩm và số liệu.

Ấy vậy, giờ đây, nhóm chúng tôi, 10 bạn F1, vẫn đang ở khu cách ly tại phường 16, quận 8, khu cách ly tập trung Nguyễn Thị Định. Dù rằng tôi thèm cảm giác được ngủ một giấc thật sâu trên giường của tôi quá. Thèm cảm giác được chạy xe vòng quanh thành phố, nghe nhạc và chìm vào trong suy nghĩ vẩn vơ.

Lê Nguyễn Hải Đăng (bên phải) chụp với thầy Hồ Đặng Trung Nghĩa, trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thầy cũng đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. (Ảnh tư liệu)

Lê Nguyễn Hải Đăng (bên phải) chụp với thầy Hồ Đặng Trung Nghĩa, trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thầy cũng đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. (Ảnh tư liệu)

Nhưng mong muốn thường trực trong chúng tôi là sớm xong cách ly, ra chống dịch tiếp thôi. Nếu bây giờ tôi trở về nhà, giấc ngủ cũng không ngon! Chứ ở ngoài mọi người vất vả quá, coi như phải làm thêm phần của chúng tôi hồi trước nữa. Mỗi người chung tay một ít để dịch mau qua.

Tôi sẽ trở lại tiền tuyến sau những rào cản không ai muốn. Đón nhận tôi sẽ là những ấm áp và yêu thương của đồng đội. Thật cảm động. Vẫn còn đó những nụ cười, tình thương, lòng người mà tôi cảm nhận được và cảm nhận rất rõ trong hoàn cảnh khó khăn này. Sài Gòn vẫn thiện tâm và tử tế với nhiều đặc sản như “ATM lướt ống”, “ATM gạo” dành cho những người yếu thế, những người nghèo khổ nơi chân cầu, nơi góc đường ngoài kia.

Dù có thế nào, chúng tôi cũng phải làm gì đó để giúp mọi người, cũng là giúp gia đình và bản thân mình nữa.

Dù có thế nào, chúng tôi cũng phải làm gì đó để giúp mọi người, cũng là giúp gia đình và bản thân mình nữa. 

Tôi hay đùa với đồng đội rằng: “Anh sẽ chỉ viết nhật ký 3 tập thôi, sau đó không viết nữa, vì hết dịch rồi.” Nhưng có lẽ nhật ký này vẫn sẽ còn kéo dài một thời gian ngắn nữa thôi đến khi mọi thứ kết thúc và đến khi mọi người cùng nhau trở về với mái ấm thân thương của mình. Tôi tin ngày đó sẽ đến nhanh thôi. Chắc chắn là vậy!

Lê Nguyễn Hải Đăng (Y2016C, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top