Trong giây phút thiêng liêng của nghi thức trao nhẫn cưới, sư thầy chủ lễ giảng giải, rằng việc đeo chiếc nhẫn vào tay ngoài biểu trưng đã thành gia lập thất thì sự "chịu đựng" trong tâm thế "nhẫn" là điều quan trọng để gìn giữ tình yêu và hôn nhân.
Vị chủ lễ nói, nhẫn là hai người yêu nhau cam kết sẽ đồng cam cộng khổ, nhẫn nhịn chịu đựng khó khăn, chịu đựng điều trái ý với nhau trong cuộc sống thường ngày. Vì thế, khi gặp những chuyện không như ý, hãy nhớ lại lý do ta đã đeo vào ngón tay nhau chiếc nhẫn này mà ngồi lại cùng nhau, lắng nghe, giải quyết êm đẹp nhất có thể.
Rồi một cặp vợ chồng, anh Phạm Thanh Quý và chị Trần Thị Hồng Ngọc chia sẻ về quá trình yêu nhau đầy gian khó của họ. "Chúng con cảm ơn ba mẹ hai bên đã sinh ra chúng con. Việc sinh ra và nuôi dưỡng một đứa con bình thường đã khá vất vả, nên việc nuôi dưỡng chúng con lại khó hơn gấp ngàn lần. Khi chúng con yêu thương nhau, vì quá lo lắng nên phải mất 7 năm, ba mẹ mới đồng ý cho chúng con lấy nhau". Thượng tọa Thích Nhật Từ căn dặn, hãy tiếp tục giữ chữ "Nhẫn" để yêu thương sâu sắc, xây dựng hạnh phúc từ nỗ lực tự thân.
Tôi thấy nụ cười và nước mắt rạng rỡ trên môi anh chị, cảm thấy như được hưởng chung hạnh phúc của họ.
Cách đây 14 năm, tại tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng, tôi cũng được nghe bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về tình yêu. Thầy đã chia sẻ một bí quyết: "hẹn nhau chiều thứ sáu". Thầy dặn, dù là người thương hay là vợ chồng cũng cần "hẹn nhau chiều thứ sáu". Một cuộc hẹn đúng nghĩa vào dịp cuối tuần để lắng nghe nhau, rằng tuần qua, tháng qua chúng ta có buồn nhau gì không, sau đó hãy mạnh dạn xin lỗi nếu làm buồn lòng người thương, đừng để cơn buồn giận được nuôi dưỡng lâu ngày dài tháng trong lòng, đến lúc nào đó sẽ không hỉ xả được nữa.
"Một cái gánh dù nhẹ mà gánh hoài cũng thành nặng, những phiền giận nếu không được tháo gỡ thì người thương sẽ sớm thành người bình thường, đến lúc thành người tầm thường trong mắt mình thì đổ vỡ là chắc chắn", sư ông làng Mai nói.
Cả thiền đường Cánh Đại Bàng sau những giây phút im lắng đã có một số người xin chia sẻ. Họ đã khóc và nói, lâu nay họ không biết "hẹn nhau chiều thứ sáu", đã để cho những nỗi buồn người thương chất chứa. Họ hứa sẽ về tập nói lời xin lỗi và cả cảm ơn người thương đã chịu đựng mình, sẽ lắng nghe để thấy được ở người mình thương có cả điều dễ thương chứ không phải chỉ lỗi lầm, vụng dại.
Chắcnhiều người quan tâm còn nhớ, Thích Nhất Hạnh từng viết một câu thư pháp "Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương". Ngoài ra, ông luôn thể hiện sự quan trọng của việc nuôi dưỡng tình yêu thương cho nhiều mối quan hệ, trong đó có quan hệ nam - nữ.
Vậy tình yêu là gì? Đây là định nghĩa của Thiền sư: Yêu trong tiếng Hán là Ái, tiếng Anh là Love và Tiếng Pháp là Amour. Trong tình yêu nam nữ có ái dục nghĩa là nam nữ gặp gỡ để thỏa mãn mong muốn, nhu cầu và xúc cảm, để duy trì nòi giống. Nhưng tình yêu của loài người khác với các loài khác là có "đạo đức tình yêu". Nghĩa là ngoài việc duy trì nòi giống còn có hạnh phúc kéo dài của xúc cảm, của đạo đức gắn kết, xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ già.
Như vậy, tình yêu đâu phải chỉ là chuyện của hai người mà còn liên quan tới những người khác, đặc biệt người sinh ra mình và người mình sinh ra.
Tiếc thay, chúng ta đang đối mặt với việc bảo vệ tình yêu. Kết quả điều tra mới đây do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện tại Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang với 900 mẫu khảo sát, trong đó có 438 người đã ly hôn cho thấy, việc đưa nhau ra tòa ly dị ngày nay không còn hiếm nữa. Khảo sát của Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31,4%. Tức cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Mỗi người đều có lý do của mình, nhưng khi đã đem nhau ra tòa, hẳn người trong cuộc đã không còn có thể chung sống được với nhau, không còn có thể thương nhau, lắng nghe nhau được nữa.
Vì thế mà lời dặn "hãy nhẫn" của Thầy Nhất Hạnh ngày càng cần thiết. Với Thầy, tình yêu không chỉ là buổi ban đầu cảm mến mà là quá trình trải qua nhiều chông chênh của cuộc sống nhưng vẫn bên nhau. Khi có đức nhẫn nại, ta sẽ không vội vàng phản ứng với người thương vì một lần trễ hẹn, sẽ không để cơn giận bốc hỏa đến mức không kiềm chế được dẫn tới nói, làm những điều tổn hại cho người.
Kiên nhẫn lắng nghe, hay kiên nhẫn giúp nhau vượt qua khó khăn, giúp nhau thay đổi là dấu ấn của yêu thương, của tình yêu bền chặt dù ta ở bất cứ tuổi nào. Kiên nhẫn còn là sự đấu tranh cho tình yêu mà mình tin chắc rằng nó đến từ trái tim hiểu biết, thương yêu dù đó là mối tình dị tính hay đồng tính. "Nhẫn" còn là giữ mình trước những cám dỗ bên ngoài khi đã có cam kết yêu thương lâu dài với một người, biết tôn trọng nhau bằng sự thủy chung.
Nhẫn nại với nhau không chỉ là một phẩm chất, nó còn là một hạt giống để mỗi chúng ta vun xới, tưới tắm mỗi ngày. Hạt mầm ấy, ai bỏ công gieo trồng sẽ nhận được trái thơm hạnh phúc.