Họ cho hai nhân viên nghỉ việc, những nhân viên bán thời gian bị cắt giảm giờ làm. Cô nói, với sự tham gia của máy móc, nhân viên siêu thị mất việc chỉ là vấn đề thời gian.
Xung quanh tôi, số người làm việc trong ngành bán lẻ ở các siêu thị, cửa hàng quần áo, ngân hàng đều đang giảm mỗi ngày. Ở siêu thị nhỏ gần nhà nơi tôi hay ghé, trước đây có ba nhân viên giờ chỉ còn hai. Giảm một người, nghe có vẻ không đáng kể, nhưng nếu tính trên quy mô lớn, số chỗ làm đã giảm đi hơn 30% chỉ bởi chuỗi máy tính tiền tự động. Không chỉ với ngành bán lẻ, ở chi nhánh hai Ngân hàng Barclays và Natwest nơi tôi hay lui tới, năm ngoái các nhân viên còn tiếp đón khách hàng, nay chúng tôi tự bấm lệnh và giao dịch với máy.
Chuyện không phải chỉ ở Anh. Bạn tôi, chủ một doanh nghiệp ở Việt Nam đang đầu tư nông nghiệp vận hành bằng trí tuệ nhân tạo, có hệ thống theo dõi, phân tích đến từng cái cây, con vật nuôi, đảm bảo có thể làm nông nghiệp sạch và minh bạch. Công nghệ anh đang học từ nước ngoài có thể làm mã theo dõi đến từng qui trình trồng trọt, chăn nuôi của sản phẩm. Bạn nói sẽ chẳng cần thuê nhân công để theo dõi trang trại như trước mà máy tính sẽ cập nhật và phân tích chi tiết hết.
Tôi đọc báo, thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp cho biết đang tự động hóa, tuyên bố giảm hàng chục, hàng trăm nhân lực. Ví dụ như hãng gốm sứ Minh Long tuyên bố đang ứng dụng công nghệ mới, 400 người làm việc cho công nghệ cũ nay tự động hóa chỉ còn cần 15.
Vậy robot sẽ cướp việc, thất nghiệp sẽ tràn lan? Không hẳn vậy, nếu nhà nước ứng biến kịp thời.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa mở ra rất nhiều cơ hội mới. Lao động tay nghề thấp có thể bị mất việc, nhưng nền kinh tế sẽ cần nhiều hơn các vị trí có trình độ tri thức, kỹ năng lập trình, phân tích dữ liệu mà nhân viên tính tiền ở siêu thị không có. Bạn tôi nói nếu đầu tư thành công dự án nông nghiệp thông minh sẽ cần tuyển thêm kỹ sư máy tính để giúp quản lý nông trại. Nhưng anh sẽ cho nghỉ việc người tưới nước, bón phân. Nhân viên ngân hàng không mất việc hết, rất nhiều vị trí mới trong lĩnh vực ngân hàng số đang bùng nổ.
Thế nhưng, những người ngồi ở quầy giao dịch nhận tiền mặt gửi vào tài khoản không thể ngủ qua đêm rồi trở thành chuyên gia công nghệ ngân hàng.
Độ vênh này rất lớn và là vấn đề chính phủ bắt buộc phải tính đến. Bởi khi nhiều người thất nghiệp sẽ tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội, kéo mức lương lao động phổ thông xuống rất thấp so với lương người có trình độ - vốn là "mặt hàng khan hiếm" ở bất kỳ nước nào tôi đi qua. Bất bình đẳng xã hội vì vậy sẽ ngày càng tăng.
Chìa khóa của vấn đề ở đâu? Là công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động mất việc. Chẳng hạn ở Anh, nhiều người chuyển qua học làm thợ điện, thu nhập vẫn rất tốt và nước Anh vẫn đang thiếu rất nhiều thợ điện. Những người muốn học làm thợ điện hoặc các nghề khác có thể đăng ký các chương trình "học việc" - nghĩa là được trả lương để làm trợ lý, theo học việc một nhân viên chuyên nghiệp. Cách này không buộc người ta phải đến trường lớp như các trường dạy nghề mà để các hiệp hội nghề nghiệp hợp tác với công ty tư nhân hay tổ chức có nhu cầu để tuyển người học việc.
Mỗi khi gọi thợ tới sửa điện trong nhà, tôi thường thấy có một người học việc đi theo nhân viên chuyên nghiệp. Trước đây tôi chỉ thấy các bạn trẻ theo học việc nhưng nay đã thấy có người lớn tuổi, có lẽ chương trình đang thật sự hiệu quả.
Bên cạnh các chương trình học việc, công dân có thể xin chính phủ hoặc các hiệp hội nghề nghiệp tài trợ tiền học, rất dễ tìm thông tin này trên trang web của các hội đồng thành phố. Có nhiều chương trình cho người ở các độ tuổi, với đủ loại nghề: chăm sóc người già, trợ lý cho giáo viên tiểu học hay trung học, vốn là những nghề rất thiếu nhân lực ở Anh, đặc biệt là do ảnh hưởng của Brexit.
Với Việt Nam, muốn thành công, nhà nước cần mở cơ chế thoáng hơn nữa để các trường nghề, trường đại học và doanh nghiệp tự đi "bắt mạch" thị trường, coi nghề nào cần thì nhanh chóng đào tạo, chứ không phải lọ mọ đi xin các loại giấy phép, xin đổi chương trình. Đặc biệt, hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình dạy nghề kiểu "quốc doanh" đã bị chỉ ra là không hiệu quả từ lâu, nhiều cơ sở dạy nghề nhưng ít người học.
Nhà nước có thể mở cửa hơn với các hệ thống đào tạo nghề tư nhân, đào tạo nghề có vốn nước ngoài, sau đó có thể hậu kiểm. Cơ sở đào tạo nào không đủ tiêu chuẩn, làm ăn có vấn đề thì đóng cửa, chứ không phải trói tay các đơn vị đào tạo nghề mới, hay bắt họ đào tạo theo chỉ tiêu chủ quan.
Và nhà nước cũng nên quản lý thoáng hơn với các hộ kinh doanh cá thể, tạo điều kiện cho mọi người tự kinh doanh dễ hơn nếu bị mất việc. Muốn vậy, phải bớt nhũng nhiễu người buôn bán bằng đủ loại chính sách, thăm hỏi, giấy phép và những phát kiến trời ơi từ phòng máy lạnh; mạnh tay hơn với các cán bộ muốn trục lợi bằng công quyền họ đang thực thi để hạch sách người dân.
Sống chung với robot thật ra không quá khó. Như nhiều cuộc cách mạng công nghệ từ xưa đến nay, mọi người rồi sẽ đều tìm được chỗ đứng của mình. Nhưng quá trình giao thời đó chật vật hay nhẹ nhàng là do tầm nhìn, sự cầu thị và linh hoạt của chính phủ. Nếu nhà nước tốt, tự nâng cấp kịp thời chính mình thì dân sẽ bớt khổ.