Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 4,7ha, tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư.
Dự án có công suất giai đoạn 1 đạt 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực lân cận (Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại của các làng nghề, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Từ tháng 4/2016, nhà máy thường xuyên hỏng hóc thiết bị (tính đến năm 2018 đã 5 lần ngừng vận hành, tổng thời gian ngừng 777 ngày). Từ tháng 4/2018 đến nay, nhà máy dừng hoạt động, không tiếp nhận xử lý rác. Nguyên nhân theo đánh giá là thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa phù hợp đặc tính rác thải của Hà Nội (chưa qua phân loại), nhiệt trị thấp nên việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố.
Ông Nguyễn Văn Mịn, Trưởng thôn Đình Thượng (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) cho biết, thời điểm ban đầu được đưa vào sử dụng, mỗi lần nhà máy xử lý rác thải, ông chứng kiến khói đen bay nghi ngút từ cột ống khói, mùi hôi bay ra rất khó chịu. Việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố, tuy nhà đầu tư đã sửa chữa nhiều lần nhưng chưa khắc phục được. Ông Mịn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là thiết bị công nghệ lạc hậu.
“Nhà máy xử lý rác hiện đại đầu tư lên đến 270 tỷ đồng vẫn nằm bất động, chưa rõ ngày hồi sinh. Trong khi đó, các hạng mục đang hư hỏng, xuống cấp dần theo thời gian, gây lãng phí tài nguyên đất. Chúng tôi mong UBND thành phố kiểm tra để sớm có giải pháp khắc phục”, ông Mịn nói thêm.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Phương Đình cũng cho hay: “Nhà máy xử lý rác này hoạt động được 2 năm xong trục trặc, tới tháng 4/2018 đóng cửa đến nay”.
“Từ góc độ chính quyền, chúng tôi mong muốn sớm có công nghệ mới nâng cấp để nhà máy tiếp tục hoạt động, đảm bảo việc xử lý rác thải cho xã nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung”, lãnh đạo UBND xã Phương Đình nói.