Nhà khoa học bàn giải pháp bảo vệ môi trường từ công nghệ và vật liệu tiên tiến

Hội thảo “Các giải pháp công nghệ và vật liệu tiên tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” đã quy tụ nhiều nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước.

Ngày 21/12/2021, hội thảo khoa học “Các giải pháp công nghệ và vật liệu tiên tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” đã diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). 

hoi-thao-amtec-2021-16.jpg
Điểm cầu hội thảo diễn ra trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chương trình hội thảo do Trường ĐHKHTN, trực tiếp là nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu tiên tiến trong Bảo vệ môi trường và Phát triển xanh cùng với Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước. 

Đặc biệt hội thảo có sự tham dự của ông Nhâm Hải Hưng, phụ trách Khoa học Công nghệ tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải Trung Quốc.

hoc-truc-tuyen.jpg
Quang cảnh buổi họp qua zoom với điểm cầu tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Các nghiên cứu được trình bày tại hội thảo tập trung vào 2 hướng chính, đó là sự phát triển các vật liệu tiên tiến, vật liệu thế hệ mới, ứng dụng trong xử lý các đối tượng ô nhiễm môi trường và hóa học xanh; và các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, ứng dụng trong cải tạo môi trường và phát triển xanh.

Theo đó, các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu cao cấp Thượng Hải và Trường Đại học Tokyo đã giới thiệu các nghiên cứu về ứng dụng của siêu bọt khí nano và công nghệ bong bóng siêu mịn.

hoi-thao-amtec-2021-3.jpg
GS. Lijuan Zhang trình bày nghiên cứu của nhóm mình (tham dự trực tuyến qua hệ thống zoom)

GS. Lijuan Zhang, Jun Hu và Banglin Chen (Viện nghiên cứu cao cấp Thượng Hải) đã trình bày về các ứng dụng của siêu bọt khí nano (nanobubbles) trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Siêu bọt khí nano này có thể làm tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước và do đó cải thiện tỷ lệ sống của cá, thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của động, thực vật. Bên cạnh đó, nó còn giúp cải thiện hiệu quả hệ vi sinh vật trong đất, cải tạo chất lượng nước thải của hoạt động nuôi trồng thủy sản, nâng cao khả năng cố định đạm của lúa, nâng cao năng suất và chất lượng lúa.

gs.ts-nguyen-van-noi.jpg
GS.TS. Nguyễn Văn Nội - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Nội, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm đã trình bày một số kết quả nổi bật của đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia thuộc chương trình: “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020” do ông chủ trì.

Trong đó, tập trung giới thiệu tổ hợp các giải pháp khoa học công nghệ đã được áp dụng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu trong 2 mô hình trình diễn thí điểm tại xã Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Nội) và xã Hải Đông (Hải Hậu, Nam Định).

Các giải pháp trong mô hình chú trọng vào tuần hoàn chất thải, phụ phẩm nông nghiệp và nước thải với mục tiêu chuyển hoá chính những thách thức về môi trường, hoạt động sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại địa phương thành cơ hội phát triển, chống chịu với biến đổi khí hậu. Song song với đó, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường.

tran-quoc-binh.jpg
PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN hy vọng hội thảo sẽ là tiền đề trở thành sự kiện thường niên trong tương lai.

PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam đã dẫn tới nhiều hệ lụy về môi trường, đe dọa tới mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ những thông tin giá trị cho việc đối phó với những thách thức trong các vấn đề môi trường và đóng góp vào tương lai xanh của đất nước và có tính thực tiễn rất cao.

"Hy vọng hội thảo sẽ là tiền đề trở thành sự kiện thường niên trong tương lai", ông Bình nói.

Theo Đời sống
back to top