Chậm tăng trưởng được đánh giá ra sao?
Tăng trưởng bình thường: Sau sinh, chiều dài trung bình của trẻ khoảng 50cm, trong năm đầu chiều cao của trẻ tăng 3,5-3,8cm/tháng trong 3 tháng đầu, 3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng trung bình 2cm, chiều cao lúc 1 tuổi gấp rưỡi khi sinh.
Sau 1 tuổi, mỗi năm trẻ tăng 5cm (1-10 tuổi). 6 tuổi trẻ cao từ 105cm -115cm. Tăng trưởng chiều cao giai đoạn 11-12 tuổi tăng 7-8cm/năm. 13-15 tuổi tăng 8-9 cm/năm. Sau khi dậy thì hoàn toàn tốc độ tăng trưởng chậm lại để đạt chiều cao trưởng thành.
Chậm tăng trưởng chiều cao khi chiều cao theo tuổi < -2SD so với quần thể tham khảo cùng tuổi giới, chủng tộc. Chậm tăng trưởng có thể xảy ra ở các thời kỳ khác nhau (giai đoạn bào thai, giai đoạn nhũ nhi, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì) hoặc suốt cuộc đời của trẻ.
Trẻ có tầm vóc thấp có thể là biểu hiện của suy dinh dưỡng hay có thể là do cách tăng trưởng của trẻ được thừa hưởng di truyền của cha mẹ hoặc xảy ra mà không có căn nguyên rõ rệt. Điển hình chậm tăng trưởng này xảy ra trong giai đoạn thơ ấu, tốc độ tăng trưởng chậm mặc dù có thể vẫn trong giới hạn cho phép.
Đo chiều cao cho trẻ |
Nguyên nhân trẻ chậm tăng trưởng
Chậm tăng trưởng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết tố (15% bệnh nhân có tầm vóc thấp là do liên quan đến nội tiết), nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, rối loạn tâm lý tình cảm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ gồm dinh dưỡng 32%, môi trường 25%, di truyền 23%, rèn luyện 20%.
Gen: đóng vai trò quan trọng. Rối loạn về nhiễm sắc thể hay gen. VD như hội chứng Down do bất thường nhiễm sắc thể gây chậm phát triển ở trẻ (có thể ở một hay nhiều khía cạnh như chậm tăng trưởng, vận động, tâm thần…)
Gen của bố/mẹ hoặc cả hai cùng thấp. Tuy thấp nhưng họ là cha mẹ khỏe mạnh nên con họ cũng khỏe mạnh nhưng thấp nhất là thấp hơn 5% so với cha mẹ ở cùng tuổi. Tuy thấp nhưng chúng cũng có thể đạt được chiều cao của một trong hai bố mẹ chúng. Trẻ ở trong các gia đình có cha mẹ có tầm vóc thấp thì khoảng 23% trẻ cũng có tầm vóc thấp. Lùn có tính chất gia đình: chiều cao thấp do gia đình di truyền. Trẻ thường chậm dậy thì. Hầu hết trẻ này cuối cùng có xu hướng phát triển chiều cao tương đương với cha mẹ của chúng.
Bệnh lý nội tiết: liên quan đến sự thiếu hụt hay thừa hocmon nào đó mà ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ trong thời kỳ nhũ nhi hay lúc dậy thì ví dụ như thiếu hóc môn tăng trưởng, suy giáp, hội chứng turner, hội chứng Cushing, hội, hội chứng Down, hội chứng Prader-Willi.
Bất thường về xương. Có hơn 50 bệnh về xương ảnh hưởng đến chiều cao và tăng trưởng, trong đó có nhiều bệnh do di truyền.
Dậy thì sớm (trẻ nữ dậy thì trước 8 tuổi, trẻ nam dậy thì trước 10 tuổi): Ban đầu trẻ cao so với trẻ cùng tuổi, nhưng do quá trình trưởng thành xương nhanh chóng, đóng xương sớm và gây chiều cao trưởng thành thấp
Cho đến nay, khó khăn nhất là các bệnh lý về Nội tiết- di truyền gồm bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn hormone, thiếu hóc môn tăng trưởng.
Môi trường: gây chậm tăng trưởng của trẻ xảy ra trước hoặc sau khi sinh ví dụ như tình trạng mẹ bị suy dinh dưỡng hay nhiễm độc, nhiễm khuẩn (HIV, sởi…). Trẻ có thể bị phơi nhiễm với nhiều yếu tố nguy cơ từ môi trường và từ đó tạo thành vòng xoắn tác động lên sự tăng trưởng của trẻ và càng làm cho trẻ chậm tăng trưởng với mức độ trầm trọng hơn.
Bệnh thực thể: Đặc biệt một số bệnh lý như thận, tim, đường tiêu hóa, phổi, xương, nội tiết làm cho trẻ chậm tăng trưởng. Những trẻ này có biểu hiện của chậm tăng trưởng đồng thời có biểu hiện của bệnh lý kèm theo. Tuy nhiên chậm tăng trưởng là biểu hiện đầu tiên của bệnh.
Nhìn chung gồm các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến việc nạp đủ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Các bệnh lý bẩm sinh của tế bào trong quá trình mang thai, hạn chế phát triển trong tử cung
Dinh dưỡng: Không có chậm tăng trưởng đơn thuần nhưng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh lý gây ra chậm tăng trưởng. Thường hay gặp là trẻ ngay từ lúc sinh có tăng cân chậm hay sụt cân trong vài ngày đầu sau đó trẻ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với bình thường hoặc không tăng trường, ngừng tăng cân. Nguyên nhân hay gặp hàng đầu là do cung cấp dinh dưỡng không đủ và thường xảy ra ở trẻ < 3 tuổi.
Suy dinh dưỡng: là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng không bắt kịp tăng trưởng trên thế giới. Suy dinh dưỡng ngăn cản trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Chế độ ăn uống cân bằng thường ngăn ngừa hoặc khắc phục điều này. Ngay cả khi trẻ bị chậm tăng trưởng do các nguyên nhân là bệnh lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng cũng giúp trẻ có chiều cao trưởng thành tốt nhất có thể.
Có một số rối loạn tăng trưởng là vô căn, có nghĩa là không xác định được nguyên nhân gây ra vấn đề tăng trưởng.
Tuy nhiên, những trẻ chậm tăng trưởng bắt buộc phải kiểm tra để loại trừ hết các nguyên nhân bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ để cho thuốc kịp thời, đồng thời hỗ trợ dinh dưỡng cho sự phát triển tối ưu nhất mà trẻ có thể đạt được.
Chậm tăng trưởng không ảnh hưởng đến tỷ lệ bệnh tật và tử vong bởi vì đứa trẻ vẫn phát triển trong giới hạn bình thường chứ không phải là bệnh. Tuy nhiên, ở một vài cá thể nó có thể ảnh hưởng nặng đến tâm lý của trẻ nên trẻ thu mình ít giao tiếp xã hội, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây thấy trẻ chậm tăng trưởng có nguy cơ giảm khối lượng xương ở tuổi trưởng thành bởi vì chậm có ảnh hưởng của hooc môn sinh dục và nội tiết lên hệ xương trong quá trình dậy thì.
BS Nguyễn Thị Hằng Nga, BS Trần Thị Na (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương)