Xác định kịp thời các bệnh nhân có nguy cơ cao là rất quan trọng để giảm nguy cơ tiến triển bệnh có thể và giảm thiểu bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào.
Đợt cấp lupus gây nên những biểu hiện ngoài thận là phổ biến hơn trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ, trong khi đó thì bệnh thận lupus thường phổ biến hơn trong giai đoạn sau sinh.
Chỉ số khối cơ thể cao (BMI) có liên quan đến việc tăng nguy cơ đợt cấp trong 3 tháng cuối của thai kì hoặc sau sinh. Khi có đợt cấp của viêm thận lupus không phải chỉ định để đình chỉ thai nghén ngay mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó quan trọng là đáp ứng với điều trị của mẹ.
Một số nghiên cứu đánh giá nguy cơ biến chứng của mẹ bị SLE khi mang thai cho thấy đợt cấp lupus, tăng huyết áp và tiền sản giật là một trong những biến chứng chính. Thai phụ bị viêm thận lupus đã được chẩn đoán trước khi có thai có nguy cơ sinh non cao hơn và khởi phát tiền sản giật sớm hơn so với phụ nữ bị SLE mà không có tổn thương thận. Tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân mang thai bị SLE và viêm thận lupus là khoảng 1%.
Tim bẩm sinh là một biểu hiện nghiêm trọng của bệnh lupus sơ sinh, với tỷ lệ mắc từ 1% đến 2% sau khi tiếp xúc với kháng thể. Tỷ lệ mắc bệnh này tăng lên 20% nếu đứa trẻ bị bệnh lupus sơ sinh. Do đó, các kháng thể kháng Ro (SSA) và kháng thể kháng LA (SSB) nên được sàng lọc ở những bệnh nhân mang thai bị SLE.
Hội chứng kháng phospholipid (APS) có liên quan đến các biến chứng thai kỳ, bao gồm thai lưu và tăng nguy cơ tiền sản giật có thể chiếm 25% số trường hợp mang thai bị SLE
Như vậy trước khi mang thai những phụ nữ bị SLE nên tiến hành sàng lọc để xác định xem các kháng thể kháng phospholipid (APS) có hay không. Khi đó việc cần điều trị thuốc chống đông sẽ được bác sĩ chỉ định. Nguy cơ hình thành huyết khối tăng trong thai kỳ, bởi vì có tình trạng tăng đông khi mang thai và do cản trở lưu thông tĩnh mạch do tử cung do ra gây chèn ép. Ngoài ra, phụ nữ có tổn thương cầu thận có thể gặp tình trạng protein trong nước tiểu và thường có thể đạt đến các ngưỡng thận hư, điều này cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
Như vậy, bệnh nhân viêm thận lupus cần phải được tư vấn đầy đủ bởi bác sĩ chuyên khoa Thận, Sản phụ, Miễn dịch... về việc khi nào nên có thai, dùng thuốc điều trị thế nào, khi nào nên đình chỉ thai nghén... Bệnh nhân mắc SLE nên được điều trị bệnh ổn định ít nhất 6 tháng trước khi muốn có thai.
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai)