Quá thừa năng lượng và nguy cơ ngộ độc
Theo BS CKI Đỗ Thị Tuyết, Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) có rất nhiều đường và chất béo (trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng). Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g: cung cấp 566 Kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; 1 chiếc bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g: cung cấp 648 Kcal (năng lượng gấp 2 - 2,5 lần bát phở bò);
1 cái bánh nướng nhân thập cẩm khoảng 176g: cung cấp 706 Kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g: cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid. Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Bánh trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm... Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm: thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,...) do sản phẩm quá thời hạn sử dụng, bảo quản không đúng yêu cầu...).
Trong khi đó khâu chế biến lại quá nhiều công đoạn, không đảm bảo quy trình vệ sinh từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến nên nguy cơ sản phẩm không an toàn cho người sử dụng rất cao.
Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Vitamin và chất khoáng trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể. Mỗi chiếc bánh thường có một gói hút ẩm nhưng thời gian bảo quản cũng rất ngắn.
Đặc biệt các loại bánh sản xuất thủ công nguy cơ nhiễm khuẩn biến chất còn cao hơn. Ăn bánh trung thu hết và cận hạn, biến chất, người tiêu dùng có nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy rất cao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Chú ý khi sử dụng
Theo TS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn bánh trung thu dễ đầy bụng, khó tiêu, nhất là với người già, trẻ nhỏ, người có bệnh hệ tiêu hóa. Nguyên do bánh trung thu nhiều chất béo, chất đạm động vật, nhiều loại gia vị và chất bảo quản. Mỗi bữa chỉ nên ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là vừa đủ. Người già thường thích uống trà ăn bánh trung thu thì tối đa chỉ nên ¼ chiếc bánh/lần.
Nếu ăn bánh thì giảm 1/2-1 bát cơm, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì cần đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa. Với người mắc bệnh mạn tính, tiểu đường, béo phì, bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa thì nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo. Tuy nhiên vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Trẻ ăn xong cần súc miệng ngay để không sâu răng. Sau ăn nên cho trẻ tăng cường hoạt động để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Nếu ăn quá nhiều, trẻ thừa cân/béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có nguy cơ đái tháo đường. Với trẻ biếng ăn: Khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.
Với người khỏe mạnh bình thường, khi ăn bánh trung thu có thể sử dụng ¼ cái, còn với trẻ nhỏ có thể 1/8 chiếc. Nên ăn sau bữa ăn chính là tốt nhất để tránh đầy bụng cũng như các rối loạn chuyển hoá. Khi ăn, nên chọn những loại bánh thanh vị, ít thành phần, không quá nhiều nguyên vật liệu phức tạp và phải được sản xuất ở những cơ sở uy tín.
Nên ăn bánh trung thu với nước trà mạn nóng loãng để điều chỉnh vị ngọt và dễ tiêu hóa. Không ăn bánh trung thu với nước ngọt có ga, cà phê vì có thể làm lượng đường máu cao hơn, không tốt cho sức khỏe.