Nét chữ đầu tiên, người thầy đầu tiên.
Con bé cháu học lớp một, chiều về kể, nhà một bạn bị cháy, bạn ấy phải nghỉ học. Hỏi sao mà biết, nó bảo, cô giáo kể thế. Cô còn bảo, nếu mai bạn đi học thì phải hỏi thăm, động viên để bạn khỏi buồn.
Nghe cái giọng nó như con chim non ríu ra ríu rít kể những chuyện ở lớp, sao mà yêu thế. Và thầm biết ơn cô giáo đã dạy các cháu biết quan tâm tới nhau.
Chứ nếu cô giáo chỉ nghĩ trẻ con đã biết gì mà nói về những tai họa như thế. Cùng lắm thì liên hệ với ban phụ huynh để đến thăm hỏi…, thì cũng chẳng ai trách. Nhưng cô lại thấy đây là dịp để dạy các con về lòng quan tâm, sự chia sẻ với nhau. Dạy làm người là đây, chứ còn đâu xa nữa.
Chưa bao giờ thấy vai trò của giáo viên quan trọng đến như thế, nhất là giáo viên lớp một, người thầy đầu tiên. Trẻ con tuổi này đúng là một tờ giấy trắng, như một tấm gương trong. Ta dạy điều gì, viết gì lên đó thì sẽ thấy nó hiện lên rõ ràng, chân thực ra sao. Cứ nghe cháu nói, cô bảo thế này, cô dạy thế kia và răm rắp làm theo, thì sẽ thấy với chúng cô là tất cả, là chuẩn mực, là điều đúng đắn…
Còn nhớ, cô giáo lớp 1 của các con tôi ngày trước đã từ chối lên làm lãnh đạo,để cả đời được dạy mãi lớp một. Bởi với cô, trẻ con ở tuổi này đúng là những thiên thần. Chúng trong trẻo, hồn nhiên và đáng yêu vô cùng.
Dù công việc không hề đơn giản, phải dạy từ những nét chữ, những phép tính đầu tiên, đến dạy chúng cách cư xử với nhau, với người xung quanh, trông cho chúng ăn, ngủ… Rồi phải xử lý biết bao tình huống trong lớp, lúc đứa này rụng răng, đứa kia nghịch ngợm nhét giấy vào mũi, đứa đái dầm, đứa đau bụng…
Nhưng trên hết là niềm vui, được thấy những điều mình dạy dỗ trở thành nếp sống, thói quen của chúng, thấy được rõ ràng ảnh hưởng của mình đến chúng.
Quan trọng là thế, nên nhiều gia đình rất quan tâm đến giáo viên lớp một, ngày Tết, ngày lễ không bao giờ thiếu phong bì, quà cáp. Nhưng đi cùng với nó là áp lực lên giáo viên.
Con người ta ở nhà được chiều chuộng thế, phụ huynh chăm sóc cô thế, nên đến lớp cô cũng phải quan tâm đặc biệt. Nhất là những nhà có thế lực, đóng góp nhiều cho trường, cho lớp, thì dù con họ có lỗi cô cũng không dám động đến. Mà đã thiên vị thế, làm sao cô có thể dạy học sinh về lòng trung thực, sự công bằng?
Minh Anh