Ngưng thuốc chống đông máu khi chọc tuyến giáp có gây đột quỵ?

Không ngừng các thuốc chống đông khi làm thủ thuật chọc tế bào nhân giáp dưới siêu âm thì lo cháy máu nhưng ngừng thuốc lo tắc mạch, đột quỵ. Vậy phải làm sao?

Hỏi: Tôi bị bệnh tim mạch dùng thuốc chống đông máu hằng ngày nhưng hiện có bệnh tuyến giáp bác sĩ đề nghị chọc hút tế bào. Xin hỏi, có nên ngừng thuốc chống đông máu khi làm thủ thuật chọc tế bào nhân tuyến giáp?

Nguyễn Phương Hạnh (Hà Nội)

Ngưng thuốc chống đông máu khi chọc tuyến giáp có gây đột quỵ? ảnh 1

Ngưng thuốc chống đông máu khi chọc tuyến giáp có gây đột quỵ?

Trả lời: Các bệnh nhân thường được đề nghị ngừng các thuốc chống đông khi làm thủ thuật chọc tế bào nhân giáp dưới siêu âm do lo ngại tăng nguy cơ bị chảy máu sau chọc hoặc không kết luận được kết quả tế bào học. Nhưng ngừng thuốc lại có thể gây tắc mạch hoặc đột quỵ.

Tuy nhiên tại Hội nghị Tuyến giáp Hoa Kỳ từ 27/9 – 1/10/2023, BS M Lundholm từ Cleveland Clinic Ohio có báo cáo cho thấy không nhất thiết phải ngừng các thuốc chống đông máu khi làm thủ thuật chọc hút tế bào nhân giáp (FNA), việc tiếp tục dùng các thuốc này không ảnh hưởng đến nguy cơ gây huyết khối hay ảnh hưởng đến kết quả tế bào học.

Họ nghiên cứu trên 2945 bệnh nhân được chọc tổng số là 4741 nhân tuyến giáp trong thời gian từ 2010 – 2023 . Các bệnh nhân có tuổi trung bình là 66.2. Tất cả các bệnh nhân đang được dùng thuốc chống đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu ít nhất 10 ngày trước khi làm FNA.

Cụ thể 73.7% bệnh nhân dùng 81 mg aspirin, 8.5% bệnh nhân dùng 325 mg aspirin, và 7.4% bệnh nhân dùng thuốc clopidogrel hoặc ticagrelor; 7.0% bệnh nhân dùng warfarin, 8.2% bệnh nhân dùng DOAC; 6.3% bệnh nhân dùng heparin và 10.3% bệnh nhân dùng ≥ 2 thuốc. Có 20.8% bệnh nhân được ngưng thuốc chống đông, còn lại vẫn tiếp tục dùng khi làm FNA.

Kết quả chung: 13.0% (n = 614) có kết quả FNA là không chẩn đoán được (nondiagnostic), nằm trong giới hạn chung theo y văn là từ 6 - 36%. Không có sự khác biệt về kết quả không chẩn đoán được giữa nhóm ngưng (12.2%) và nhóm vẫn dùng (13.2%, p = 0.41)

Theo dõi trong 48h sau làm FNA chỉ ghi nhận 1 bệnh nhân bị hematoma, đó là bệnh nhân điều trị 81 mg aspirin để dự phòng thứ phát đột quỵ. Bệnh nhân này không cần can thiệp gì.

Có 4 bệnh nhân ngưng thuốc bị hematoma nhưng cũng đều không cần can thiệp gì. Tuy biến chứng huyết khối rất hiếm gặp nhưng có 3 bệnh nhân ngừng thuốc chống đông bị huyết khối nặng trong vòng 48h sau khi làm FNA, bao gồm 2 bệnh nhân dùng DOAC và Aspirin bị đột quỵ, và 1 bệnh nhân dùng DOAC bị nhồi máu cơ tim.

Những biến cố này sẽ để lại di chứng nặng hơn nhiều so với Hematoma. Không có bệnh nhân nào bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc mạch phổi.

Tuy kết quả rất rõ ràng nhưng các tác giả nghiên cứu và nhiều người khác đều cho rằng cần xem xét cụ thể từng bệnh nhân về việc nên hay không nên ngừng thuốc chống đông máu khi làm FNA nhân tuyến giáp.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng Khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top