Nghiên cứu sinh tìm ra phương pháp “khóa” tế bào ung thư

Một nữ nghiên cứu sinh người Canada vừa thực hiện một khám phá mang tính đột phá có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của tế bào ung thư.

Caitlin Miron, nghiên cứu sinh thuộc khoa hóa học của Đại học Queen đã xác định được một hợp chất kết dính ADN giúp khóa được các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng lan truyền sang các tế bào lành khác.

Qua quá trình nghiên cứu các hợp chất tại phòng thí nghiệm, Miron nhận thấy một hợp chất có khả năng kết dính các cấu trúc ADN 4 sợi, được gọi là G-quadruplex. Những ADN này có liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư và các căn bệnh nguy hiểm khác.

Nghiên cứu sinh tìm ra phương pháp “khóa” tế bào ung thư ảnh 1

Nữ nghiên cứu sinh Caitlin Miron, tác giả của phát hiện đột phá giúp giảm tối đa tốc độ lây lan của tế bào ung thư. Ảnh: CTVNews.ca.

Miron dẫn ví dụ những ADN 4 sợi như các sợi dây chuyền ngọc trai, các nucleo trong tế bào sẽ đi dọc theo những sợi chuỗi hạt đó cho đến khi gặp nút thắt thì ngừng lại. Hợp chất này sẽ đóng vai trò như một loại keo để gắn dính các sợi của ADN lại với nhau, ngăn chặn tế bào ung thư tiếp tục di chuyển.

“Thông thường, các ADN có cấu trúc xoắn kép nhưng đôi khi chúng cũng chuyển thành dạng một sợi đơn như những sợi dây chuyền. Từng hạt trong sợi dây chuyền sẽ di chuyển tự do cho đến khi chạm vào điểm nút thắt. Lúc bấy giờ, chúng sẽ tác động lên ADN và chuyển hóa thành protein để tạo ra các tế bào và mô ung thư,” Miron giải thích.

Các nhà khoa học đã mất từ 20 năm đến 30 năm để tìm kiếm những chất kết dính giống vậy, họ đã tìm ra được nhiều hợp chất nhưng chúng không thật sự hiệu quả. Vì thế, phát hiện này của nữ nghiên cứu sinh Miron mang tính đột phá và giúp ích rất nhiều cho những nghiên cứu khác trong tương lai.

Nghiên cứu sinh tìm ra phương pháp “khóa” tế bào ung thư ảnh 2

Nhờ một hợp chất kết dính ADN, các tế bào ung thư sẽ bị khóa chặt và không lây lan được nữa.

Phát hiện của Miron hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa thương mại hóa. Nhóm nghiên cứu của cô vừa nộp đơn đăng ký bằng sáng chế và sẽ mất một năm để các bên liên quan công nhận bằng sáng chế chính thức.

“Trong thời gian chờ đợi được công nhận bằng sáng chế và sau đó là thương mại hóa, tôi đang tiếp tục nghiên cứu để cải thiện khả năng của chất kết dính này. Có thể đi xa hơn các tế bào ung thư, tôi sẽ dùng nó để ngăn sự xâm nhập của các tế bào ung thư qua màng tế bào,” Miron chia sẻ.

Miron cho biết, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy lợi ích điều trị qua việc làm giảm quá trình phát triển ung thư ở một số dòng tế bào. Bước tiếp theo là phải xác định cách tốt nhất để sử dụng hợp chất trên ở cơ thể người.

Mặc dù vẫn chưa được đưa vào thương mại hóa, nhưng phát hiện này đã đem đến cho Miron và nhóm nghiên cứu của mình nhiều giải thưởng lớn tại Canada và quốc tế. Viện Ung thư Mỹ đã thử nghiệm hợp chất siêu kết dính này và nhận được kết quả tích cực. Chất kết dính sẽ được các công ty dược cấp phép sử dụng trong từ 2 đến 8 năm tới.

Theo Quang Niên (Khám phá)

Theo Đời sống
back to top