Nghề săn “quái vật” ở hồ Thác Bà

KHĐS – Năm 1970 hồ Thác Bà hoàn thành. Công trình có chiều dài lên đến 80km, rộng 30km, diện tích 24.400ha. Hàng ngàn hộ dân phải di chuyển, cuộc sống người dân xung quanh con nước thuộc loại lớn nhất Việt Nam này có nhiều thay đổi. Có tích cực, có tiêu cực, song nhìn một cách bao quát thì đó là những mảnh ghép vô cùng thú vị…

Nghề săn “quái vật” ở hồ Thác Bà ảnh 1Những người săn cá lớn thường ra xa bờ để thả câu, giăng lưới bắt cá.

Từ khi hình thành con nước lớn, hồ Thác Bà trở thành nơi mưu sinh của trăm ngàn con người nơi thâm sơn cùng cốc. Trong đó, phải kể đến nghề săn “quái vật” Hồ Thác Bà.

Bán mình cho thuỷ quái

Theo một số liệu thống kê từ giới chức năng tỉnh Yên Bái thì mỗi năm, hồ Thác Bà đem về nguồn lợi thuỷ sản hàng ngàn tấn. Người dân đôi bên con nước không chỉ kiếm ra tiền trang trải cuộc sống mà còn có chút của ăn, của để, mua được con trâu, con dê hoặc cất được ngôi nhà mới, mua được xe máy… Nhưng chuyện mà báo Khoa học & Đời sống muốn nhắc đến sau đây chỉ là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh khai thác thuỷ sản trên hồ Thác Bà. Nó có sức ảnh hưởng ghê gớm tới tâm lý, cái nhìn của mọi người dân nơi núi cao vực hiểm.

Những chiếc thuyền tre là phương tiện di chuyển chủ yếu ở nơi đây.

Một con cá nặng 42kg tại hồ Thác Bà được bán cho một nhà hàng ở Hà Nội cách đây ít lâu – (ảnh internet)

Theo lời hẹn với một thanh niên tên Trường, sống tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình. PV Khoa học & Đời sống có mặt tại bến thuyền nằm bên con nước hồ Thác Bà. Dù mới 25 tuổi, nhưng Trường đã có nhiều năm lăn lộn sông nước, không ít lần chết hụt giữa hồ nước mênh mông. Công việc chính của Trường là đánh tôm và săn thuỷ quái. Nhiều hôm, Trường cùng với cánh ngư tiều rong thuyền ra giữa lòng hồ đi câu cá lớn. Ngày hên, những thanh niên xóm núi có thể bắt được cá chép khổng lồ, đem đến các nhà hàng lớn bán đã có chục triệu đút túi.

Trường kể: Trước đây, hồ Thác Bà rất nhiều cá lớn. Đa phần là các loại trắm đen, chép. Có con nặng đến 70kg. Nhưng càng ngày càng nhiều người đi câu, đánh bắt cá lớn khiến cho số lượng cá khổng lồ giảm rất nhanh. Còn nhớ hồi em mới 17 tuổi, theo người lớn ra hồ đi câu, có hôm bắt được 2 con trắm hoặc chép tầm 40 – 50kg là chuyện quá bình thường. Nhưng hiện tại thì có khi cả tháng chẳng câu được con nào to như thế. Nếu có thì cũng chỉ được tầm 20 – 30kg”.

Nguyên nhân khiến nguồn thuỷ quái cạn kiệt theo thanh niên xóm núi là do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là số lượng người đánh bắt cá lớn ngày càng đông. Thứ hai là nhiều người dùng thuốc nổ đánh bắt cá, làm cho nguồn thuỷ sản bị huỷ diệt suốt thời gian dài.

Cách đây khoảng 10 năm, quanh Hồ Thác Bà hình thành những đội săn cá lớn, họ dùng thuốc nổ đánh bắt cá một cách vô tội vạ, khiến nguồn lợi thuỷ sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là lượng cá lớn giảm đáng kể. Sự việc dùng thuốc nổ đánh các ngày càng diễn ra công khai, phức tạp khiến chính quyền địa phương phải ra tay ngăn chặn. Các cuộc mai phục, các cuộc vận động bà con đôi bên con nước đánh bắt thuỷ sản có trách nhiệm, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản lâu dài… Đến nay, tình trạng dùng thuốc nổ giảm hẳn, nhưng lượng cá khổng lồ thì vẫn chưa kịp phục hồi.

Anh Lục Văn Bưởi, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình – ngư tiều bên hồ Thác Bà nghĩ lại: Thấy việc đánh bắt thuỷ sản bằng thuốc nổ đem về nguồn lợi lớn, khối lượng khai thác được tăng đột biến, nhưng mà chỉ được thời gian ngắn lại phải di chuyển chỗ khác. Bởi đánh bắt mãi một chỗ, tôm cá chết hết thì “lấy đâu cá mà bắt”. Không những thế, việc đánh bắt thuỷ sản bằng thuốc nổ vô cùng nguy hiểm cho tính mạng. Minh chứng điển hình là quanh hồ có nhiều người bị cụt chân, cụt tay, tật nguyền vì săn cá khổng lồ bằng thuốc nổ. Nhưng những trường hợp tật nguyền vẫn được cho là may mắn. Bởi có nhiều người đã phải vĩnh viễn nằm lại hồ Thác Bà, dâng mình cho thuỷ quái mà không thể tìm được xác. Đó là điều cay đắng nhất!.

Công việc đánh cá lớn được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày

Nhiều tiền nên nhiều người săn thủy quái

Mới đây nhất, hồi tháng 08/2017, một người tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình săn được một con trắm đen nặng 42kg bằng cách đánh lưới. Trước đây, loại cá có trọng lượng khoảng 40kg được xem là bình thường ở hồ Thác Bà, nhưng hiện nay, bắt được con cá 42kg đã được coi là “hàng khủng”.

Ngay sau khi bắt được cá, ngư tiều huyện Yên Bình đã bán “chiến lợi phẩm” cho một nhà hàng ở Hà Nội với giá trên 10 triệu đồng. “Sự kiện” hoành tráng đến mức, báo chí cũng vào chụp ảnh, đưa tin về con cá khủng.

Anh Lục Văn Bưởi vừa rong chiếc thuyền lướt êm trên con nước, mắt vừa đọc qua mấy tin báo chí về thuỷ quái hồ Thác Bà đôi môi vừa mím lại với nhiều sắc thái hiện trên khuôn mặt. Lát sau anh trầm trồ. Con cá ấy chưa phải là loại lớn nhất từng sa lưới trên hồ Thác Bà, nhưng hiện tại nó thuộc loại hiếm. Hồ Thác Bà đã từng chứa những con trắm đen nặng đến 70kg, những con cá chép đến 60kg. Có lẽ giờ vẫn còn cá to như thế, nhưng để bắt được rất khó. Hiện nay, loại cá lớn sa lưới nhiều nhất trên hồ Thác Bà vẫn là cá trắm đen và cá chép, nhưng trọng lượng chỉ tầm 20 – 25kg.

Anh Bưởi tính toán. Nếu so với đánh tôm thì công việc săn cá lớn đem về nhiều tiền hơn. Ví dụ một tháng chỉ cần bắt được 2 con cá lớn là đã có trong tay 15 – 20 triệu. Ở quanh hồ Thác Bà, chỉ cần bắt được cá to thì lúc nào bán cũng được. Không như tôm, cá nhỏ còn phải kỳ kèo bớt một thêm hai, đối tượng mua lá lớn là những người có tiền, có khi mình bán cá còn dư 1 – 2 trăm ngàn người ta cũng “bo” luôn.

Cũng là người thường đánh cá to trên hồ Thác Bà, anh Nguyễn Văn Chiến, huyện Yên Bình thường coi đó như thú vui tiêu khiển chứ chưa hẳn là kiếm tiền. Anh thường rong thuyền và chiếc cần câu ra hồ. Nhưng công việc hên xui, hoạ hoằn lắm anh mới câu được con cá tầm 15 – 20kg. Giá của loại cá này trung bình khoảng 200 ngàn/kg, nếu gặp khách đại gia thì có thể bán được giá đắt hơn. Mỗi tháng anh thu được khoảng 4 – 5 triệu đồng. Nếu may mắn câu được cá to (khoảng 40 – 50kg) thì không có giá cụ thể mà phụ thuộc vào hứng thú và túi tiền của người mua.

“Thực ra nghề đánh bắt cá lớn có từ trước khi hồ Thác Bà được xây dựng, nhưng sau đó, dòng sông Chảy được chặn dòng, cá lớn xuất hiện nhiều hơn, cùng với đó là phong trào săn cá lớn cũng phát triển mạnh. Tuy vậy, mặt trái của nghề này là người dân dùng thuốc nổ để đánh cá, hậu quả là nhiều người bị thương tật, nguồn lợi thuỷ sản suy giảm. Nhưng rất may là việc dùng mìn đánh cá đã được chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời, đến nay thì người dân dùng lưới, câu để bắt cá lớn là chủ yếu”, anh Nguyễn Văn Chiến cho biết.

Phi Long

Theo Đời sống
back to top