Cờ đua thi đua Chính phủ đã được trao cho Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM.
Huân chương Lao động Hạng nhất đã được trao cho Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Huân chương Lao động hạng nhì cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học và TTND.GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Huân chương Lao động hạng ba được trao cho 9 tập thể và 4 cá nhân. 30 tập thể và 102 cá nhân cũng đã được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.
Điều đáng trân trọng, trong chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM, 2 trường đại học được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (2 cá nhân) và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (8 cá nhân).
Phát biểu tại buổi lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, ngành y tế TPHCM đã trải qua năm 2021 khó khăn, thử thách với Covid-19 lần thứ tư.
Trước biến cố về sức khỏe và sự nguy kịch tính mạng của nhân dân, tất cả đã nỗ lực, đồng lòng vượt qua đại dịch, bảo vệ ngành y không để suy sụp.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, chúng ta đã trải qua những thời gian cam go nhất; đã thể hiện tinh thần đoàn kết trong sáng toàn hệ thống, không phân biệt vị trí thứ bậc vùng miền, đương chức hay nghỉ hưu, chung sứ mệnh thiêng liêng nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân.
Tất cả đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đến với nhau, chi viện, hỗ trợ, chia lửa, cùng gánh vác, san sẻ trong lúc nước sôi lửa bỏng, trong lúc đồng đội đang oằn mình chống chịu.
Ngành y tế của TPHCM đã thể hiện tính dân tộc - khoa học - tấm lòng của người thầy thuốc. Họ đã thay đổi phương pháp điều trị, phác đồ và thời gian trong những tình huống gay cấn nhất của dịch bệnh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn là chính sách chủ yếu trong đường lối phát triển của nhà nước theo hướng phát triển y tế toàn dân.
Các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là y bác sĩ đã tận tụy hết lòng, làm nhiều việc chưa được học ở nhà trường, chưa từng làm trong thực tế nhưng đã hành động theo mệnh lệnh trái tim…
Ngày 29/04/2021, TPHCM ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại quận Bình Tân (từng tiếp xúc gần với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại tỉnh Hà Nam). Sau đó, tất cả các quận - huyện đều ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Nếu như vào thời điểm đầu tháng 5/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở một vài quận - huyện, chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2.
Sau đó, số ca mắc trong tuần tiếp tục tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần. Giai đoạn này, TPHCM bắt đầu thành lập 2 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 với 4.238 giường.
BSCKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1, đã chia sẻ cảm xúc khi cùng đội ngũ y bác sĩ nhận nhiệm vụ trong thời khắc đặc biệt ấy, tại Bệnh viện Dã chiến số 1.
Đây là Bệnh viện Dã chiến đầu tiên của TPHCM đặt tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An Ninh (Đại học Quốc gia TPHCM),
Đội ngũ y bác sĩ đã vận hành bệnh viện để tiếp nhận, điều trị người bệnh mắc Covid-19 sớm nhất trong vòng 36 giờ sau khi nhận nhiệm vụ. Ngày những bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện dã chiến số 1 xuất viện, ai ai cũng rưng rưng nước mắt, hạnh phúc…
ThS.BS Hoàng Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Quận 8, cũng vô cùng xúc động khi nhớ lại “cuộc chiến khốc liệt” khi bắt đầu tham gia chống dịch vào ngày 10/7/2021. Lực lượng y bác sĩ của Trung tâm Y tế quận 8 lúc ấy với 117 người phụ trách các khu cách ly và 16 trạm y tế.
Cũng trong dịp họp mặt họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam này, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, một trong những bài học sâu sắc nhất từ công tác phòng chống dịch Covid-19 là tổ chức lại hệ thống y tế theo hướng gần dân hơn, vừa phổ cập vừa chuyên sâu.
Bên cạnh đó, ngành y tế phải luôn nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo dịch bệnh đi đôi với với cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, từ xa cho người dân bằng cách phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.