Ngã rẽ và những món quà ý vị

(khoahocdoisong.vn) - “Về Sài Gòn làm báo nhé! Có tờ báo nọ đang tuyển người… như ông”, lời rủ rê của anh bạn - phóng viên một tờ báo tại TPHCM khiến tôi nhiều đêm suy nghĩ. Tờ báo mà anh bạn giới thiệu là KH&ĐS. 

Đến bây giờ, dẫu chuyển qua nhiều cơ quan báo chí, tôi vẫn không thể nào quên những ngày chập chững vào nghề ở cơ quan này. 

Trước đó, tôi từng đọc nhiều thông tin thú vị từ Báo KH&ĐS, nghĩ mình là “dân kỹ thuật nông nghiệp có chút văn vẻ”, được làm phóng viên của tờ báo uy tín với đội ngũ thực hiện là những nhà khoa học nhiều lĩnh vực, còn gì vui hơn!

Tác giả tại bãi Đầm Trầu, Côn Đảo

Tác giả tại bãi Đầm Trầu, Côn Đảo

Do bận rộn công việc tại cơ quan cũ (Bà Rịa-Vũng Tàu), nhiều tháng sau lời mời gọi hấp dẫn, đầu năm 2003, tôi chủ động liên lạc với nhà báo Vũ Mai Nam – phụ trách phóng viên Cơ quan Thường trú tại TPHCM của Báo KH&ĐS lúc ấy và được mời thử việc. Ít lâu sau, tôi trở thành phóng viên chính thức của Báo, Cơ quan đại diện phía Nam (171 Đồng Khởi, Quận1, TPHCM).

Còn nhớ, ngày đầu làm phóng viên, sau khi báo cáo đề tài với chị Chu Thị Việt Nga, Trưởng Cơ quan Thường trú tại TPHCM về chuyện nhiều diêm dân tại Cần Giờ (TPHCM), Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) khốn khổ vì giá muối thấp, trong khi đó có không ít doanh nghiệp lại nhập muối ồ ạt… tôi được chị Việt Nga cùng anh Mai Nam hướng dẫn tỉ mỉ về cách thu thập thông tin. Các sếp yêu cầu, ngoài phản ánh thực trạng, cần trao đổi với cơ quan liên quan về giải pháp khoa học để giúp diêm dân tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và cách tìm đầu ra... 

Sau một buổi gặp gỡ diêm dân trên đồng muối Long Điền, tôi thu thập khá đầy đủ thông tin thực tế sản xuất, tiêu thụ muối. Nắng chiều vàng vọt, tôi rời đồng muối, lên kế hoạch tiếp xúc với cơ quan liên quan đến diêm nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà trĩu nặng nỗi lo. “Mong nhà báo nhận chút lòng, chúng tôi chẳng có gì”. Một diêm dân cứ mãi thuyết phục tôi nhận món quà là… 1 bao muối. Giá muối lúc đó 200 đồng/kg. Món quà tặng nặng khoảng 50kg, giá trị tương đương 1 đĩa cơm bình dân - món quà mặn đắng mồ hôi của diêm dân Long Điền.

Cuối năm 2003 đầu năm 2004, người nuôi gà khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ điêu đứng vì gà chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Trời mưa tầm tã cả ngày, tôi trong vai trò người đưa tin, lại là một bác sĩ thú y, nhìn những “núi” gà chết của những hộ chăn nuôi tại Bình Dương mà lòng ngổn ngang trăm mối. 

Thông tin dịch bệnh dồn dập khiến người chăn nuôi hoang mang: Miền Đông rồi Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đến hầu hết các tỉnh miền Bắc gà chết hàng loạt, ngành chăn nuôi gà gần như… xóa sổ. Ngay sau đó, nhiều hội nghị, bàn thảo của cơ quan chăn nuôi đều gọi “bệnh chưa rõ nguyên nhân”. Hầu hết các báo đều đưa tin bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh “lạ”… trên gà. Riêng KH&ĐS, bên cạnh thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh còn đặt vấn đề, nghi ngờ đó là bệnh cúm gà. Thông tin trên báo được ghi lại từ cuộc trao đổi kỹ lưỡng của phóng viên với một số nhà chuyên nghiên cứu về dịch bệnh gia cầm, đồng thời hướng dẫn cách ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Ít lâu sau, dịch bệnh cúm gà H5N1 được công bố cùng quy trình phòng bệnh bài bản. Nhờ đó, mối nguy do dịch cúm gà đã được hạn chế đáng kể.

Tác giả trao đổi với ông Lê Xuân Ái – nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Tác giả trao đổi với ông Lê Xuân Ái – nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Khi còn làm trong ngành nông nghiệp, tôi từng nhiều lần ra Côn Đảo công tác, nhưng không thể thu thập nhiều thông tin về động thực vật tại hòn đảo này. Chỉ khi là phóng viên khoa học, tôi mới có điều kiện tiếp xúc với các nhà nghiên cứu về “nàng tiên cá” (bò biển, tên khoa học Dugon dugong) - loài thú tại Việt Nam chỉ còn vài chục con sống ở vùng biển Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tôi cứ nhớ mãi cảm giác đi xuyên những cánh rừng cùng các nhà nghiên cứu của Vườn quốc gia Côn Đảo, được chia sẻ thông tin về hệ động thực vật đặc trưng nơi này, được ngắm rạn san hô đặc hữu, xem rùa biển đẻ. Tôi còn may mắn có những khoảnh khắc thú vị, cùng ăn, ngủ, theo chân các kỹ sư, công nhân khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ - mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam… 

Tác giả tại giàn khoan ở mỏ Bạch Hổ

Tác giả tại giàn khoan ở mỏ Bạch Hổ

Khoe như vậy, tôi muốn nói rằng nghề báo, đặc biệt là quãng thời gian làm phóng viên Báo KH&ĐS đã cho tôi có những ngày vui, nhiều ý nghĩa. 

Không chỉ được đi nhiều nơi, tại KH&ĐS tôi học được cách đưa thông tin đến bạn đọc: Chuẩn mực, có giá trị khoa học nhưng không khô khan cứng nhắc; thông tin phản biện đa chiều, cơ sở khoa học vững chắc… Báo chí thời nay đã khác nhiều do công nghệ phát triển vượt bậc, nhưng tôi tin, cách làm báo của KH&ĐS có “độ lùi” nhất định, thông tin chắc chắn, cơ sở khoa học vững vàng… vẫn luôn là cách tạo sự tin cậy với số đông bạn đọc.

Cũng cần nhấn mạnh, việc cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề cho phóng viên, biên tập viên luôn được các cấp lãnh đạo đặc biệt chú trọng. Báo luôn cử phóng viên tham gia nhiều lớp huấn luyện chuyên môn, cập nhật cách làm mới. Riêng tôi, thật bổ ích khi được báo giới thiệu đi học 10 ngày, chuyên đề “Xử lý cho thông tin gần gũi” do các giảng viên Đại học báo chí Lille (Pháp) giảng dạy. Có thể nói, những gì thu thập được qua khóa học thời gian ngắn ấy đều được tôi áp dụng cho từng tin bài khi viết hoặc xử lý, biên tập sau này.

Tôi luôn nghĩ rằng KH&ĐS là cánh cửa mở ra cho tôi thỏa khát vọng làm báo chuyên nghiệp. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng bác sĩ thú y rồi đi làm báo, nhìn các bạn thời đại học giờ trở thành người đứng đầu các tập đoàn lớn hoặc ông chủ các công ty sản xuất-kinh doanh phát đạt, thú thật, đôi lúc tôi không khỏi băn khoăn. Nhưng, suy nghĩ kỹ lưỡng hơn, với máu mê nghề viết lách từ nhỏ đến giờ vẫn bền bỉ, thì ngã rẽ ấy là món quà quý giá tôi được trao tặng trong cuộc sống này. Không chỉ được làm công việc thú vị, đúng sở thích, mà khi về KH&ĐS tôi còn “rinh” được vợ là “người của Khoa - Đời”. Thêm một “món quà” và có lẽ cũng là chữ “duyên” vậy.

Cơ quan thường trú chụp hình lưu niệm cùng các nhà báo lão thành của Báo KH&ĐS ở TPHCM nhân dịp 21/6/2019.

Cơ quan thường trú chụp hình lưu niệm  cùng các nhà báo lão thành của Báo KH&ĐS ở TPHCM nhân dịp 21/6/2019.

Một trong nhiều việc ý nghĩa mà ít có cơ quan báo chí duy trì thường xuyên vào cuối năm, đó là họp mặt những người từng làm tại báo, cộng tác viên. Trong ngày gặp gỡ này, những người trẻ, đương nhiệm được những người đi trước, cán bộ về hưu sẻ chia kinh nghiệm, góp ý để tờ báo khắc phục những khiếm khuyết, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Riêng tôi, đó không chỉ là dịp được gặp lại nhiều đồng nghiệp, những cộng tác viên thân tình mà còn có cảm giác mình “đang còn làm” tại KH&ĐS.

Khoảng cuối 2007, do điều kiện riêng, tôi rời ngôi nhà thân thương, đầy ắp nghĩa tình, nhưng nơi ấy -  KH&ĐS vẫn mãi là nơi đầy lưu luyến.

Theo Đời sống
Đáng tự hào vị thế một tờ báo khoa học

Đáng tự hào vị thế một tờ báo khoa học

(khoahocdoisong.vn) - Mùa thu năm nay Báo KH&ĐS mà tiền thân là Báo Khoa học thường thức ra đời vừa tròn sáu chục năm (30/9/1959-30/9/2019). Ôn lại những kỷ niệm làm báo, tôi nhớ đến những bậc tiền bối đã có công xây dựng và phát triển tờ báo từ những ngày đầu tiên, đó là những nhà khoa học kiệt xuất của đất nước tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí. Vì thế tờ báo được mọi người tin yêu và lưu giữ, coi đó là một cẩm nang khoa học trong những năm mà internet chưa xuất hiện.
Những sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo của tôi

Những sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo của tôi

(khoahocdoisong.vn) - Nhà báo Tuyết Phương, phụ trách mảng y tế - sức khỏe trên Báo KH&ĐS. Những năm tháng chiến tranh, bà đã từng là phóng viên chiến trường. Những chia sẻ của bà cho thấy sự năng động, nhiệt huyết của người làm báo KH&ĐS.
Nghĩa lớn        

Nghĩa lớn        

(khoahocdoisong.vn) - GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học lớn, người đặt nền móng cho ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội KH&KTVN, Chủ nhiệm Báo KH&ĐS. Dưới đây là những chia sẻ của nhà báo Hữu Hưng, nguyên Trưởng ban Biên tập Báo KH&ĐS về những kỷ niệm với GS Trần Đại Nghĩa.
Làm sách Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp

Làm sách Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp

(khoahocdoisong.vn) - Theo kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2019 được Bộ GD-ĐT thống kê, môn lịch sử có điểm trung bình là 4,3. 70% số bài thi có điểm dưới 5. Tình trạng học sinh học kém môn Lịch sử đã diễn ra trong thời gian dài. Việc Báo KH&ĐS manh nha làm phổ biến kiến thức về Lịch sử từ cách nay 15 năm phải chăng là sự nhạy cảm với thời cuộc?
back to top