Chương trình Vui khỏe mỗi ngày: “Một chương trình tư vấn sức khỏe vô cùng bổ ích và thiết thực!”

(khoahocdoisong.vn) - Đó là cảm nhận đầy trân trọng của bác Phạm Ngọc Diệu (64 tuổi, quận 1, TPHCM) dành cho Chương trình Vui khỏe mỗi ngày với chủ đề: “Bệnh lý Thoái hóa khớp gối & ký sinh trùng ở người cao tuổi” do Báo Khoa học & Đời sống phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO và Hội Người cao tuổi quận 1, TPHCM tổ chức ngày 23/8.

Người cao tuổi nên chú ý đến các vấn đề ăn uống

Tham dự chương trình, gần 200 hội viên Hội người cao tuổi trên địa bàn quận 1, TPHCM đã lắng nghe những những thông tin hữu ích do PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó chủ nhiệm Bộ môn Xét nghiệm, Trường ĐH Y Dược TPHCM - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cùng BS.CK II Nguyễn Đức Minh Chính - Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận cung cấp để chăm sóc sức khỏe tốt cho cá nhân và gia đình.

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết: “Các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng đường ruột thông thường như nhiễm giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun lươn, sán lá gan, sán ruột, amip... là những bệnh rất phổ biến ở nước ta do có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm. Ngoài ra, các bệnh ký sinh trùng từ động vật truyền sang người cũng ngày càng phổ biến do biến đổi môi trường và thói quen ăn uống”.

Các bác sĩ giải đáp thắc mắc về bệnh lý cho người cao tuổi.

Các bác sĩ giải đáp thắc mắc về bệnh lý cho người cao tuổi.

Đối với người cao tuổi, bệnh lý nhiễm ký sinh trùng thường xuất phát từ việc ăn uống, vì các mầm bệnh, ký sinh trùng theo thực phẩm. Trong các loại thực phẩm từ nông nghiệp như: Rau, củ hay các loại thủy hải sản đều có các mầm bệnh ký sinh trùng.

Theo PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, các bệnh nhiễm ký sinh trùng thường có khởi đầu rất thầm lặng, chỉ bùng lên khi đã xâm nhập sâu vào các cơ quan trong cơ thể. Do đó, người già cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, không được lơ là. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì phải đi khám chuyên khoa để phát hiện bệnh kịp thời.

Bên cạnh đó, ở người cao tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, nếu bị nhiễm ký sinh trùng thì việc điều trị là rất khó khăn, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Vì vậy, người già nên chú ý đến các vấn đề ăn uống, kiểm tra kỹ các nguồn thực phẩm sao cho bổ dưỡng, an toàn để tăng cường sức khỏe.

Ban tổ chức tặng hoa cho các bác sĩ.

Ban tổ chức tặng hoa cho các bác sĩ.

Ngoài các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, thoái hóa khớp gối cũng là bệnh rất phổ biến ở cao tuổi, căn bệnh có tỉ lệ gây tàn phế cao nhất hiện nay.

Theo BS.CK II Nguyễn Đức Minh Chính - Bệnh viện SAIGON-ITO, thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp. Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với tuổi nghĩa là tuổi càng cao tổn thương thoái hóa càng nặng; bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế. 

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở người cao tuổi là: Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi như: Di truyền, tình trạng béo phì, có các vi chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp. Thoái hoá khớp còn có thể là hậu quả của các bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao…

Triệu trứng của bệnh lý thoái hóa khớp gối là đau tại khớp bị thoái hóa là dấu hiệu bao giờ cũng có, và là triệu chứng khó chịu chính khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đau khớp có tính chất cơ học, đi lại vận động đau tăng, nghỉ ngơi giảm đau. Trong thoái hoá khớp gối, bệnh nhân đau khi đi lại, khi đứng lên và ngồi xuống. Trong thoái hóa đốt sống thắt lưng thì khi cúi xuống, đứng lên, quay ngang… đều đau, đôi khi do thần kinh bị chèn ép làm cho đau dọc xuống dưới chân.

Cứng khớp buổi sáng là tình trạng bệnh nhân khi ngủ dậy thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi một lúc khớp mới vận động dễ dàng hơn. Cứng khớp buổi sáng là một triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân thoái hoá khớp. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút.

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động, giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.

Để phòng bệnh thoái hóa khớp, BS.CK II Nguyễn Đức Minh Chính khuyên người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…) tùy theo điều kiện của mỗi một người. Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi… hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức.

Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp. Dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất (protein, calcium, vitamin D, vitamin nhóm B …) là rất cần thiết.

Sau khi nghe các BS CK II Nguyễn Đức Minh Chính chia sẽ về cách phòng bệnh thoái hóa khớp ở người lớn tuổi, bác Nguyễn Văn Trung (68 tuổi, quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Đối với những người lớn tuổi thường hay gặp phải bệnh lý thoái hóa khớp, hôm nay nhờ được bác sĩ tư vấn mà tôi biết được nguyên nhân cũng như cách phòng bệnh. Đây là chương trình rất bổ ích cho những người lớn tuổi như tôi”.

Ông Nguyễn Huỳnh Thế Trường- Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Bến Thành tặng hoa cho Nhà báo Bùi Hương

Ông Nguyễn Huỳnh Thế Trường- Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Bến Thành tặng hoa cho Nhà báo Bùi Hương

Còn bác Lê Thị Phước (66 tuổi, quận 1, TPHCM) cho biết, vấn đề nhiễm ký sinh trùng ở người cao tuổi, nếu không được bác sĩ tư vấn thì sẽ không biết để đề phòng, khi mắc bệnh có thể sẽ ngộ nhận đó là bệnh lý khác làm cho bệnh ngày một nặng thêm.

“Hiện nay, người cao tuổi sinh hoạt nhiều nhất là ở các phường, tôi mong sao Báo KH&ĐS tiếp tục lan tỏa những kiến thức hữu ích này đến nhiều phường khác trên địa bàn TP để nhiều người cao tuổi  như tôi được tham dự chương trình bổ ích này”, bác Phước chia sẻ.

Bác Phan Thị Oanh - Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Bến Thành, quận 1, TPHCM cho biết, đây là lần thứ 3 Báo KH&ĐS tổ chức chương trình Vui Khỏe mỗi ngày tại địa phương, với nhiều chủ đề phong phú như Xương khớp, Đái tháo đường, Ký sinh trùng…mong rằng trong thời gian tới, Báo KH&ĐS tiếp tục hỗ trợ địa phương tổ chức thêm nhiều chủ đề về y học thường thức để người cao tuổi có thêm nhiều kiến thức phòng, tránh bệnh.

Đại diện Ban tố chức, nhà báo Bùi Hương - Trưởng Cơ quan thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM đã gửi lời cảm ơn các chuyên gia, ban lãnh đạo hệ thống  Bệnh viện Sài Gòn ITO cũng như Lãnh đạo UBND phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM  đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng chương trình trong suốt 2 năm qua.

Chương trình Vui Khoẻ Mỗi Ngày do báo KH&ĐS phối hợp tổ chức ngày 23/8 với chủ đề: “Bệnh lý thoái hóa khớp gối & ký sinh trùng ở người cao tuổi” với sự tài trợ của Hệ thống Saigon ITO và Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood. Chương trình đã tổ chức truyền thông sức khoẻ về các vấn đề về bệnh lý Thoái hóa khớp gối & ký sinh trùng cho gần 200 hội viên Hội người cao tuổi.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top