Những nhà khoa học lỗi lạc làm báo
Có thể nói chúng ta đã có một thế hệ vàng các nhà khoa học được đào tạo bài bản và đã thành danh ở các nước tiên tiến Pháp, Nhật, Đức…, nhưng với lòng yêu nước họ đã theo Bác Hồ trở về tham gia sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Như trường hợp GS.VS Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ). Ông được học bổng sang Pháp du học vào năm 1935 và đã cùng lúc nhận cả ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học của những trường đại học danh tiếng nhất thời đó ở Paris. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm bằng kỹ sư hàng không và kỹ sư mỏ. Tốt nghiệp các trường, ông ở lại Pháp làm việc đồng thời tiếp tục tự nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ cũng như hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí - ngành và lĩnh vực mà chính quyền Pháp cấm tuyệt đối không dạy cho sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các nước thuộc địa.
Giới thiệu báo Khoa học & Đời sống với TBT Đỗ Mười |
Năm 1942, ông sang Đức làm việc tại xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Tháng 5 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp thương thuyết với Bộ trưởng thuộc địa Pháp. Với lòng yêu nước cháy bỏng, muốn đem tài sức của mình góp phần cùng đồng bào trong nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông đã cùng kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, BS Tai - Mũi - Họng Trần Hữu Tước, từ bỏ cuộc sống giàu sang, lương bổng lớn cùng Bác trở về Tổ quốc để tham gia kháng chiến.
Dược chụp ảnh cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam |
Hay như ông Nguyễn Xiển tự học thi Tú tài Tây rồi đỗ đầu Tú tài năm 1927, được cấp học bổng sang Pháp học. Ông chọn khoa Điện cơ, Trường đại học Toulouse. Năm 1930, Nguyễn Xiển đỗ liền 3 bằng Cử nhân: Toán vi phân, tích phân, Toán đại cương, Cơ học; sau đó lại đoạt thêm bằng Cử nhân hạng tối ưu về Vật lý, được nhà trường giới thiệu lên Paris học ở Viện Toán học Henri Poicarré, trung tâm Toán học số 1 của nước Pháp bấy giờ. Khi về nước, ông không chịu làm quan theo đề nghị của chính phủ Nam triều ở Huế mà ra Hà Nội dạy học. Nhưng khi Hồ Chủ tịch đích thân mời ông hợp tác với chính quyền cách mạng, ông đã nhận lời. GS Nguyễn Xiển thuộc lớp người "đã có tất cả dưới chế độ cũ nhưng đã từ bỏ tất cả để theo Bác, theo Đảng làm Cách mạng" như lời lúc sinh thời giáo sư đã bộc bạch.
Được trao thưởng nhân Ngày báo chí VN 21/6 |
Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, hòa bình lập lại nhưng kinh tế Miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn: Năng suất lao động còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao; Trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp; Lực lượng KHKT còn nhỏ bé, trình độ còn hạn chế. Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, phần nói về khoa học, kỹ thuật đã nêu : “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng” . Do đó nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học không chỉ xây dựng các ngành khoa học kỹ thuật mà còn phải nâng cao dân trí. Một số nhà khoa học đã lập Ban vận động thành lập Hội phổ biến khoa học - kỹ thuật Việt Nam; Tháng 9/1959, Ban vận động đã xuất bản Báo Khoa học thường thức nhằm tập hợp lực lượng trí thức và đẩy mạnh hoạt động phổ biến khoa học – kỹ thuật để nâng cao dân trí. Báo là hoạt động chủ yếu của Hội, nên thời kỳ đầu hội luôn bố trí chủ tịch Hội làm chủ nhiệm báo để dễ dàng tập hợp các nhà khoa học có uy tín làm báo.
Dự họp báo với Thủ tướng Phan Văn Khải |
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bác Hồ đã khen ngợi: “Mấy năm nay, Ban vận động Trung ương Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật hoạt động đã góp phần đẩy mạnh sản xuất, do đó đã được quần chúng tin cậy. Như thế là rất tốt”. Bác cũng căn dặn:” Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú.”
Tại đại hội, GS Nguyễn Xiển, Đại biểu Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội; Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam; Tổng thư ký Đảng Xã hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bầu là Chủ tịch Hội phổ biến Khoa học kỹ thuật Việt Nam; kiêm Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Khoa học thường thức. Ông là nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Tôi may mắn được về công tác ở Hội phổ biến Khoa học kỹ thuật Việt Nam năm 1963, đúng lúc Hội thành lập, đến năm 1970 tôi chuyển về báo Khoa học thường thức. Ở Hội và Báo, tôi được trực tiếp làm việc với ba đời chủ nhiệm báo, chủ nhiệm thứ hai là GS Lê Khắc. Tháng 2/1980, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ông cũng được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (LHH), Đại biểu Quốc hội khóa VII...
Chủ nhiệm thứ ba là GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ông từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của LHH, đại biểu Quốc hội các khóa II và III. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về các công trình chế tạo vũ khí BAZOKA, SKZ, bom bay.
Ba chủ nhiệm của báo Khoa học thường thức đều là những nhà khoa học lỗi lạc, có nhiều cống hiến với đất nước, được sử sách ghi danh, là niềm tự hào của những người làm báo khoa học chúng tôi.
Thành viên Đoàn đại biểu Hội Nhà báo VN thăm và làm việc với Hội Nhà báo Thái Lan được Phó Thủ tướng thứ nhất Thái Lan tiếp |
Báo là cầu nối giữa khoa học kỹ thuật và đời sống
Chính cái tên báo Khoa học thường thức đã nói lên nội dung Báo là phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật rộng rãi cho nhân dân, vì thế khi đó Báo được xác định là một trong 4 tờ báo (3 tờ nữa là báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và Đại đoàn kết) được phát hành tới cơ sở sản xuất, xã, phường. Khi đó giấy in khan hiếm nên tùy mức độ phát hành mà báo sẽ được Bộ Văn hóa cấp cho chỉ tiêu giấy in nhiều hay ít. Báo Khoa học thường thức được phổ cập rộng rãi có lúc phát hành trên mười vạn tờ một kỳ mà vẫn không đủ báo bán.
Báo có uy tín với độc giả vì đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học là các chuyên gia đầu ngành ở mọi lĩnh vực như nông nghiệp có: Nhà nông học Lương Đình Của, GS Đào Thế Tuấn, GS Bùi Huy Đáp; khoa học cơ bản có: GS. Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Đào Vọng Đức, GS. Lân Dũng; y học có: BS Vũ Đình Tụng, BS Nguyễn Khắc Viện, BS Lã Vĩnh Quyên, DS Đỗ Tất Lợi, DS Đỗ Huy Bích, công nghiệp có kỹ sư Đỗ Thái Bình… Báo đã xây dựng những chuyên trang tìm hiểu khoa học, hỏi đáp khoa học, hướng dẫn bạn đọc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, vận động xây dựng nếp sống văn minh, khoa học, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, được nhiều độc giả không chỉ đọc mà còn lưu giữ để tra cứu khi cần.
Kỹ sư Trịnh Văn Thịnh, một chuyên gia nông nghiệp đánh giá: “Báo KH&ĐS sở dĩ được hoan nghênh chính là vì trong mỗi số báo đã có được một số bài đề cập đúng những yêu cầu thiết thân của đông đảo bạn đọc. Báo cố gắng săn tìm những vấn đề thời sự nóng hổi của sản xuất và đời sống. Riêng về nông nghiệp trong 20 năm qua, hầu hết những vấn đề khoa học kỹ thuật lớn, chiến lược của nông nghiệp, những phong trào quần chúng làm nông nghiệp đều được phản ánh trên báo. Như vậy báo góp phần vào sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp”.
Hình ảnh lá thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Năm 1984, kỷ niệm 25 năm thành lập báo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết thư gửi báo:” Nhân ngày Kỷ niệm vẻ vang của Báo Khoa học & Đời sống tôi thân ái gửi tới các đồng chí ở Bộ biên tập và đông đảo độc giả lời chào mừng nồng nhiệt.
Tờ báo của các đồng chí mang một cái tên biết bao rộng lớn và cao đẹp mà chúng ta thật khó hình dung hết nội dung phong phú, ý nghĩa sâu xa cùng tính chất thiết thực của nó và đây là điều mà chúng ta rất cần, nhất là lúc này, và sau này cũng vậy!
Chào thân ái và quyết thắng ” 23-9-1984 đã ký Phạm Văn Đồng
Gắn bó suốt đời với báo khoa học
Tôi về công tác ở báo năm 1970 và làm việc cho báo tới khi nghỉ hưu năm 1996. 26 năm ở báo lại đúng vào giai đoạn đất nước có nhiều biến động: Từ chiến tranh chống Mỹ cứu nước tới hòa bình thống nhất đất nước, từ thời bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, có biết bao xáo động, bao kỷ niệm trong nghề báo. Tôi nhớ lại: Thời chiến tranh chống Mỹ, báo phải sơ tán về huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú. Đây là vùng trung du, dân cư thưa thớt mà trai tráng đi bộ đội hết, hầu như gia đình nào cũng là gia đình liệt sĩ. Mỗi lần về tòa soạn họp, chúng tôi phải đạp xe sáu, bẩy chục cây số, lại còn đèo thêm gạo, thực phẩm, dầu hỏa…cho gia đình sơ tán ở đây và còn phải ra đi từ 3-4 giờ sáng để tránh máy bay địch. Tuy vậy chúng tôi vẫn đảm bảo báo ra đúng kì.
Từ khi thống nhất đất nước, báo từ chỗ phục vụ cho Miền Bắc trở thành tờ báo của cả nước; chúng tôi đã tổ chức các nhóm phóng viên về các tỉnh Miền Trung và Nam bộ hợp tác với Ban Khoa học kỹ thuật của tỉnh để làm các chuyên trang về thiên nhiên, con người và đặc điểm phát triển của địa phương.
Tôi cũng như hầu hết cán bộ biên tập của báo Khoa học thường thức đều học các ngành khoa học kỹ thuật, nông nghiệp và y học, không ai qua trường báo chí. Bản thân tôi có hai bằng đại học ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp đều là về vật lý. Để làm báo, chúng tôi phải tự học và sinh hoạt nghiệp vụ trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau đi thực tế... Tôi từng làm thư kí chi hội nhà báo nhiều năm, sau đó là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam hai khóa (khóa 4 và khóa 5), tôi đã phối hợp với chi hội nhà báo của báo Đại Đoàn kết tổ chức lớp học nghiệp vụ có cấp chứng chỉ cho hội viên. Sau đó tôi cũng may mắn được Hội nhà báo Việt Nam cử đi học nghiệp vụ ở trường của Hội Nhà báo quốc tế OIJ tại Tiệp Khắc và đi trao đổi nghiệp vụ ở Liên Xô, Thái Lan. Tôi đã trưởng thành nhờ vừa làm vừa học, từ một phóng viên đến Phó Tổng biên tập phụ trách báo.
Báo là một thành viên tích cực hoạt động của LHH nên tôi phụ trách báo cũng được bầu vào Hội đồng điều hành của LHH 2 khóa (khóa 2 và khóa 3). Tôi đã làm cầu nối giữa LHH và Hội Nhà báo Việt Nam để tổ chức Hội thảo “Báo chí khoa học vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước” đối tượng tham dự là các báo, tạp chí, bản tin của các hội thành viên trong LHH gồm 3 tờ báo, 47 tạp chí và 8 bản tin, chiếm 1/3 tổng số báo chí khoa học trong cả nước.
Ngày 23/6/1995, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Báo chí Việt Nam và 45 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo:”Báo chí khoa học vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước”. Đây là lần đầu tiên có một cuộc hội thảo toàn quốc của khối báo chí khoa học với sự phối hợp tổ chức của LHH và Hội Nhà báo Việt Nam.
Mỗi thời kỳ phát triển của đất nước lại đặt ra nhiệm vụ mới cho báo chí, đòi hỏi người làm báo phải năng động và sáng tạo không ngừng, sao cho báo có nội dung phong phú, ý nghĩa sâu xa cùng tính chất thiết thực xứng đáng với cái tên KH&ĐS rất đáng tự hào.
Được cống hiến suốt cuộc đời làm báo cho Báo KH&ĐS mà tiền thân là Báo Khoa học thường thức, được làm việc với các nhà khoa học kiệt xuất của đất nước, tôi đã thấm nhuần sự nghiệp mở mang dân trí là vô cùng phong phú, thiết thực và lý thú.