Nét đặc biệt của Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Chợ Củi

Tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đền Chợ Củi có kiến trúc đặc sắc và nổi tiếng về sự linh thiêng, thu hút một lượng lớn du khách ghé thăm mỗi năm.

Trong những ngày gần đây, ngôi đền đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia này đang khiến dư luận quan tâm vì những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý được nêu ra trong kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Kiến trúc cổ kính và nét tín ngưỡng độc đáo

Theo Cổng Thông tin Điện tử Huyện Nghi Xuân, đền Chợ Củi còn có tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ, được xây dựng vào thời Hậu Lê có cấu trúc theo kiểu chữ Tam gồm các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện, mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét xưa, trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi và tân thế của dân gian.

Cổng tam quan đền Chợ Củi. Ảnh: Đền Củi - Đền Quan Hoàng Mười/ Facebook.

Cổng tam quan đền Chợ Củi. Ảnh: Đền Củi - Đền Quan Hoàng Mười/ Facebook.

Tam quan đền ở cạnh liền bến sông, cao 2 tầng, có lưỡng long chầu nguyệt, đường nét uyển chuyển mà tinh xảo. Qua tam quan, vòng hồ bán nguyệt ở sân dưới của đền, qua 7 bậc thềm nữa là đến sân trên và thêm 5 bậc thềm nữa là đến đền.

Tổng quan kiến trúc của ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ tam, bao gồm 3 toàn, mỗi toàn 3 gian. Bố cục kiến trúc đền Chợ Củi khác với các ngôi đền khác, ở đây các toàn được cấu tạo nối liền với nhau theo trục thần đạo và toàn bộ không gian nội điện được bố trí thành các cung thờ từ trên xuống dưới gồm cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ Quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều.

Tòa thượng điện (hậu cung) là nơi đặt bàn thờ Tam tòa Thánh mẫu gồm Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải. Ba vị Thánh Mẫu được đặt ở nơi thâm nghiêm và ngự trị ở nơi cao quý nhất của đền thờ, trong đó Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ, Mẫu Thoải mặc trang phục màu xanh và Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu trắng.

Cũng ở toàn điện này, phía bên phải tam phủ còn có cung thờ Nhị vị Chầu Bà – Chầu Thượng Ngàn và chầu Thoại. Đây là điểm khác so với các đền thờ Mẫu khác ở các nơi, chỉ có Nhị vị Chầu Bà chứ không có Tự vị Chầu Bà. Duy chỉ có Chầu Mười lại có cung thờ riêng. Ngoài ra bên trái còn có bàn thờ Chư Phật. Tiếp đến là cung thờ Ngũ vị Tôn ông - từ quan Đệ Nhất đến quan Đệ Ngũ, rồi đến cung thờ Quan Hoàng Mười và cung Chầu Mười Tòa. Dưới cùng là cung Trần Triều thờ Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đã từ lâu lắm Đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng, quanh năm không chỉ có người xứ Nghệ mà còn khách muôn phương cả nước đều hành hương về đây không chỉ tham quan vãn cảnh, chiêm bái hành lễ mà còn được hòa mình trong không gian văn hóa lễ hội đặc sắc.

Du khách dâng lễ vật ở đền Chợ Củi. Ảnh: Đền Củi - Đền Quan Hoàng Mười / Facebook.

Hàng năm lễ hội Đền Chợ Củi diễn ra ngày vào dịp ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu), ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh Trần) và ngày 10 tháng 10 âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười) suốt nhiều ngày liền lượt khách về chiêm bái, hành lễ rất đông.

Mọi người về đây với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các quan lớn, các Chầu, quan Hoàng Mười và Đức Thánh Trần phù hộ. Không những thế nơi đây còn có canh quan đẹp hiếm có, sông núi đan xen nhau tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, kỳ bí nên thơ cho ngôi đền. Các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát chầu văn, lễ hầu đồng diễn ra thường xuyên tại đền, những lời ca, tiếng nhạc rộn ràng say đắm tạo nên một không khí lễ hội rất sống động như mời gọi, lưu giữ bước chân du khách muôn phương.

Vào năm 1993, đền Chợ Củi đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý

Theo Báo Hà Tĩnh, trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý Di tích đền Chợ Củi (được thành lập năm 2014) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về công tác quản lý nhân sự, tài chính, sử dụng tiền công đức, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông… Để công tác quản lý di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Chợ Củi phát huy hiệu quả, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thanh tra, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm những tồn tại.

Tại kết luận thanh tra số 07/KL-UBND của UBND tỉnh ngày 5/1/2024 khẳng định: Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi không thể hiện được vai trò quản lý, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ như trong đề án được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.

Quá trình hoạt động, Ban Quản lý di tích chưa đảm bảo công tác quản lý về nhân sự, việc phân công nhiệm vụ chưa kịp thời, không thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động và các chế độ đối với người lao động; là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng hằng năm đơn vị chưa lập dự toán và báo cáo quyết toán tài chính, sổ sách và chứng từ kế toán chưa thực hiện đầy đủ theo quy định.

Sau kết luận thanh tra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các Sở, ngành liên quan, UBND huyện Nghi Xuân khắc phục, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm phát huy tốt các giá trị của di tích đền Chợ Củi, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Theo Đời sống
back to top