Biết gì về Di tích An toàn khu Chợ Đồn?

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1496/QĐ-TTg ngày 30/11/2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Nhân dịp này, Khoa học và Đời sống xin được điểm qua những nét chính về lịch sử hình thành cùng nội dung quy hoạch vừa được phê hoạch của khu di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.

Nơi đảm bảo an toàn cho các cơ quan Trung ương và các lãnh đạo cấp cao của Đảng

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, Khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn thuộc quần thể di tích Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn nhận nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng: Được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn là An toàn khu của cuộc kháng chiến. Mảnh đất này lại được đón nhận, che chở cho các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Huyện Chợ Đồn là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Huyện Chợ Đồn là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Huyện Chợ Đồn đã đón Bác Hồ về ngày 8/12/1947 để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trong thời gian từ năm 1947 đến 1951, Bác đã ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng). Huyện Chợ Đồn còn chứng kiến sự có mặt của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng); xóm Nà Quân (xã Bình Trung) được chọn làm điểm đặt hội trường Trung ương Đảng trong các năm từ 1947 đến 1952, là nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới.

Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y...

Từ khi được chọn làm An toàn khu, Đảng bộ, chính quyền non trẻ Chợ Đồn có nhiệm vụ trọng đại là bảo vệ căn cứ An toàn khu. Công việc khẩn trương của Đảng bộ, chính quyền Chợ Đồn lúc ấy là làm trong sạch địa bàn, chống chiến tranh gián điệp, củng cố thông tin liên lạc... Phong trào thi đua sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến được đẩy mạnh trong toàn dân.

Tất cả mọi người ở đây đều nêu cao ý thức giữ gìn bí mật, hết lòng đùm bọc che chở cho các cơ quan Trung ương. Thanh niên Chợ Đồn hăng hái xung phong gia nhập bộ đội chủ lực đi kháng chiến, tình nguyện tham gia các Liên đội thanh niên xung phong làm đường giao thông...

Hiện tại, có 25 địa điểm ở An toàn khu Chợ Đồn được công nhận là điểm di tích. Với những giá trị đặc biệt và tiêu biểu, khu di tích lịch sử cách mạng này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.

Phê duyệt Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn

Theo Quyết định số 1496/QĐ-TTg ngày 30/11/2023, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn được phê duyệt có quy mô quy hoạch là 135 ha, thuộc địa bàn các xã: Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan.

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; góp phần hình thành điểm thăm quan về nguồn, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng và tinh thần yêu nước của Nhân dân ta cho các thế hệ mai sau; điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh hấp dẫn; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Bắc Kạn, vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn và toàn vùng chiến khu Việt Bắc xưa.

Làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan và phát triển hệ sinh thái mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng căn cứ cách mạng Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Di tích Bản Ca thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Nơi Bác Hồ đã ở và làm việc năm 1947. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Di tích Bản Ca thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Nơi Bác Hồ đã ở và làm việc năm 1947. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Theo phân vùng chức năng, tại mỗi di tích thành phần phân thành 02 vùng chức năng chính là: Vùng bảo vệ di tích và Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch.

Các công trình di tích được tu bổ, phục hồi dựa trên căn cứ khoa học và tư liệu lịch sử; mang phong cách kiến trúc tương đồng về tính chất và thời kỳ, phù hợp truyền thống địa phương. Các công trình biểu tượng, tượng đài cần có tính mỹ thuật cao, phù hợp với giá trị di tích; hài hòa với cảnh quan chung. Các công trình kiến trúc xây mới cần khai thác bản sắc kiến trúc truyền thống của địa phương.

Khu di tích tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của khu vực. Phát triển sản phẩm du lịch do người dân địa phương tổ chức, quản lý theo hướng mỗi bản, mỗi điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng...

Theo Đời sống
Linh vật huyền bí người Việt xưa tôn thờ

Linh vật huyền bí người Việt xưa tôn thờ

Hình tượng Si Vẫn xuất hiện ở nước ta cùng với sự du nhập của văn hóa Trung Quốc. Do sự biến thiên của lịch sử, diện mạo của Si Vẫn thay đổi theo từng thời kỳ, khác rất nhiều so với hình tượng đầu tiên của nó.
back to top