Do độc hại của thuốc lá nên nhiều người đã chuyển sang dùng thuốc lá điện tử, đặc biệt là giới trẻ. Theo ông Nguyễn Huy Quang,Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, việc quảng bá thuốc lá điện tử tràn lan, coi đây là sản phẩm có lợi, có tác dụng cai nghiện thuốc lá thông thường rất nguy hiểm vì sẽ gây hiểu lầm. Một thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nghiện các loại thuốc lá điện tử, nguy hại khôn lường với sức khỏe và Bộ Y tế đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử nguy hại như thuốc lá truyền thống
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, thành phần dung dịch trong thuốc lá điện tử gồm có nicotin và nhiều chất khác. Ngoài tính gây nghiện, nicotin gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi và các bệnh tim mạch. Mặc dù nicotin không phải là chất gây ung thư nhưng nó có tác động như “chất tạo khối u” và liên quan đến việc hình thành bệnh ung thư cũng như ảnh hưởng đến thần kinh. Tiếp xúc với nicotin ở trẻ vị thành niên và thai nhi có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển não bộ, tiềm năng dẫn đến rối loạn học tập và rối loạn tâm thần kinh.
Chất propylene glycol trong thuốc lá có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Chất glycerin/glycerol gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, có thể gây kích ứng đường hô hấp trên. Ngoài ra còn có các kim loại chì, bạc, cadmium, chromium, thủy ngân, nickel rất độc hại với cơ thể.
Tính đến cuối tháng 10/2019 Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ đã nhận được báo cáo của 49 bang và 1 lãnh thổ cho thấy có 1604 ca tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới. Các ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử tăng lên 39 ca và làm ảnh hưởng sức khỏe ít nhất hơn 2000 người. Số liệu thống kê từ Mỹ, EU, Canada, Hàn Quốc cho thấy, đã có 2600 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Các ảnh hưởng khác của thuốc lá điện tử gồm tăng nguy cơ nghiện nicotin với người từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ/bỏng, chẩn thương, gãy xương. Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày có liên quan tới việc tăng tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim tương tự như hút thuốc lá truyền thống.
Thuốc lá làm nóng chứa chất gây nghiện cao
Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là hai sản phẩm khác nhau. Thuốc lá điện tử chứa nicotin không phải lá thuốc. Thuốc lá làm nóng chứa lá thuốc và nicotine. Thuốc lá làm nóng làm sản sinh ra sol, khí chứa nicotin với hương vị thuốc lá. Thuốc lá làm nóng chứa chất gây nghiện cao và cũng có các chất phụ gia. WHO khuyến cáo tất cả các loại thuốc lá đều độc hại, bao gồm cả thuốc lá làm nóng.
Báo cáo của Viện Kiểm soát thuốc lá toàn cầu trong số 55 quốc gia có thông tin có 42 quốc gia quy định cấm hoặc quản lý ở các khía cạnh khác nhau. Tại Thái Lan, năm 2014 việc sử dụng thuốc lá điện tử trở thành vấn nạn trong thanh thiếu niên vì vậy nước này đã chính thức cấm nhập khẩu các loại thuốc lá mới nổi như shisha, thuốc lá điện tử, các loại thuốc lá nhai. Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng cũng ra thông báo cấm bán và cung cấp dịch vụ đối với Hookahs, Hookahs điện tử (bình hút thuốc Ả rập), thuốc lá điện tử, nguyên liệu hút thuốc cho Hookahs và các dung dịch tái nạp cho Hookahs điện tử và thuốc lá điện tử. Tại Singapore, thuốc lá điện tử được coi là thuốc lá giả và bị cấm bán.
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nên được kiểm soát như thuốc lá. Theo đó, WHO cũng đưa ra khuyến cáo không sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng như một phương tiện cai thuốc, thậm chí mong muốn có thể cấm hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử.