Lông chân dày đặc làm lây lan vi khuẩn
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học Penn State Eberly, Hoa Kỳ vừa phát hiện ra rằng các những con ruồi phổ biến trong gia đình mang theo vi khuẩn salmonella, e.coli và thậm chí cả vi khuẩn dẫn đến loét dạ dày và tử vong.
TS Donald Bryant, giáo sư công nghệ sinh học tại Đại học Penn State cho biết, mọi người biết rằng có những mầm bệnh được ruồi mang theo nhưng không biết về mức độ cũng như phạm vi lan truyền của chúng.
Các loài ruồi trung bình mang theo tới khoảng 200 loại vi khuẩn có hại thông qua hàng ngàn sợi lông nhỏ trên chân, những vi trùng nguy hiểm này có thể chuyển sang thức ăn của bạn ngay sau khi một con ruồi chạm vào nó.
Do đó, chỉ cần thời gian trong giây lát là đã có thể xuất hiện trên đồ ăn của bạn, thông qua những sợi lông nhỏ xíu trên cơ thể con ruồi. Bởi ruồi không thể nhai thức ăn, nên chúng thường bài tiết các chất như là chất tiêu hóa thức ăn lên đồ ăn của bạn trước khi chúng có thể ăn.
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, những côn trùng truyền bệnh là những côn trùng mang vi sinh vật có trong cơ thể nó rồi truyền vào người. Có thể kể đến là những muỗi hay bọ chét, chuột… đem theo vi sinh vật gây bệnh như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch hạch.
Những loài này được gọi là vec tơ truyền bệnh hay vật truyền bệnh. Đối với ruồi, do cấu tạo ở chân chúng có rất nhiều lông tơ, nên khi đậu, vi khuẩn dễ dàng bám dính để chúng đem đi phát tán khắp mọi nơi. Chúng được coi là côn trùng truyền bệnh giống như kiến, gián…
Theo GS Bùi Công Hiển thì vi khuẩn do ruồi phát tán thường nguy hiểm do môi trường sống của loài này khá rộng, đa số là những nơi bẩn thỉu như bãi rác, xác thối… Do đó, cảnh báo với thực phẩm bị ruồi đậu là hoàn toàn có cơ sở.
“Có thể tự chế thuốc diệt ruồi bằng banking soda và nước xả vải trộn vào nhau rồi xịt vào khu bếp. Nên che đồ dùng nhà bếp lại trước khi xịt. Ruồi sẽ không dám bay vào khu bếp đồng thời tạo ra mùi thơm dễ chịu”.
GS Bùi Công Hiển
Có nên bỏ thức ăn bị ruồi đậu?
Ruồi đậu vào thức ăn có lẽ là hình ảnh khá phổ biến, đặc biệt là ở những vùng quê, ít có điều kiện phun, diệt côn trùng. Vậy có nên bỏ thức ăn khi bị ruồi đậu?
Theo GS Bùi Công Hiển, ruồi đặc biệt là ruồi sống ở những nơi môi trường ô nhiễm như bãi rác, bệnh viện… thường đem theo nhiều vi khuẩn.
Việc để ruồi xâm nhập vào thức ăn chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ thức ăn cũng bị nhiễm khuẩn, khi ăn sẽ rất dễ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu thức ăn cứ bị ruồi đậu là bỏ đi thì chắc có lẽ nhiều đám cỗ ở quê không còn gì để ăn.
“Nói thế để thấy nguy cơ thức ăn nhiễm khuẩn khi bị ruồi đậu, nhưng không có nghĩa là buộc phải bỏ thức ăn đó đi. Việc ăn những thức ăn có ruồi đậu có thể không chết người, nhưng chắc chắn là không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất thức ăn nên được che đậy cẩn thận, tránh ruồi bám.
Trường hợp chẳng may có ruồi bám vào thì có thể vứt bỏ phần thức ăn xung quanh chỗ đó đi và tiếp tục ăn. Nếu thức ăn là canh, các món lỏng… thì chỉ cần bỏ con ruồi đi là được”, GS Bùi Công Hiển cho biết.
Để loại bỏ nguy cơ ruồi đậu vào thức ăn, cách tốt nhất là phải làm cho nhà bếp trở thành nơi “khiếp sợ” của ruồi. GS Bùi Công Hiển cho biết, có thể rắc hạt tiêu đen trong bếp để ruồi tránh xa.
Rắc vào kẽ tường, bếp để chúng bay đi. Hoặc có thể sử dụng bạc hà tươi hoặc sấy khô để đuổi ruồi hay cắt nhỏ lá bạc hà rồi thả vào cốc nước và đặt trên bàn hoặc cửa sổ cũng khiến ruồi không dám “bén mảng”.
Cây húng quế cũng có thể đuổi rồi, chỉ cần trồng một chậu húng quế trên bàn ăn là có tác dụng. Hoặc nhanh hơn thì định kỳ phun tinh dầu xả vào khu bếp cũng là một cách hữu ích.
Bảo Khánh