Nên biết về khả năng sinh sản, để có kế hoạch... sinh con

(khoahocdoisong.vn) - Theo ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TPHCM, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm theo tuổi, kể từ sau 30, đặc biệt giảm nhanh sau 35. Trong khi, nam giới thường đến 40 - 45 tuổi mới bắt đầu giảm và từ từ... đến rất lâu sau đó.

Nang noãn: Nguồn dự trữ có hạn

Chất lượng con người trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào buồng trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông. Nhưng chúng lại bị suy giảm dần theo tuổi, đặc biệt giảm nhanh sau 35 tuổi ở người phụ nữ. Sự suy giảm này là về cả số lượng và chất lượng, dẫn đến việc khó có thai ở phụ nữ lớn tuổi, và khi có thai tỷ lệ sẩy thai và các biến chứng trong thai kỳ cũng tăng. Đồng thời các trẻ sinh ra từ các bà mẹ lớn tuổi cũng có nhiều bất thường hơn. Nhiều phụ nữ lớn tuổi phải xin noãn người khác để có thai.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, bé gái khi sinh ra có khoảng một triệu nang noãn, sau đó, nang noãn tự thoái hóa nên suy giảm dần. Đến tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu phóng noãn (rụng trứng) để bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Mỗi tháng, khoảng 500 nang noãn sẽ ra khỏi kho chứa, nhưng chỉ có khoảng 1 nang noãn phát triển trưởng thành và rụng trứng. Nhiều nang noãn khác tiếp tục thoái hóa.

Vì vậy, theo thời gian, tới thời điểm mãn kinh (khoảng 50 tuổi), 2 buồng trứng còn khoảng 1.000 nang noãn; số lượng trứng và chất lượng trứng giảm, tỷ lệ trứng bất thường tăng, không thể sử dụng. Tuổi tác gia tăng có thể kéo theo nguy cơ nhân xơ, lạc nội mạc tử cung, ảnh hưởng tới việc mang thai, sinh nở.

Chất lượng con người trong tương lai phụ thuộc vào chất lượng trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông. (Ảnh minh họa internet)

Chất lượng con người trong tương lai phụ thuộc vào chất lượng trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông. (Ảnh minh họa internet)

Mang thai ở tuổi 35 là thời điểm đánh dấu cột mốc tăng huyết áp thai kỳ. Tăng huyết áp, đái tháo đường thường tác động trực tiếp đến bánh nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển của thai nhi. Mẹ lớn tuổi còn kéo theo nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh cao hơn. Ở tuổi 20, tỷ lệ này khoảng 1/525, khoảng tuổi 30 là 1/385, lên 35 tuổi là 1/200 và 40 tuổi là 1/65.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ bẩm sinh không có nhiều nang noãn hoặc nang noãn có tốc độ thoái hóa nhanh và sớm hơn nên buồng trứng suy giảm sớm. Trong khi, ngành y học về sản phụ khoa cũng như nội tiết và hỗ trợ sinh sản chưa có cách làm tăng số lượng hoặc cải thiện chất lượng nang noãn.

Trì hoãn có thai vì nhu cầu “xã hội”

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, phụ nữ ngày càng có khuynh hướng trì hoãn việc có thai. Chị em dành thời gian tuổi trẻ (<30) cho học hành (đại học, sau đại học) và cho sự nghiệp (tìm việc làm, thu nhập, vị trí...)., bên cạnh đó việc lập gia đình muộn cũng góp phần làm phụ nữ quyết định sinh con và mang thai ngày càng muộn hơn. Đến khi muốn có con, nhiều phụ nữ đã vào độ tuổi mà việc có con trở nên khó khăn. Đây là một xu hướng của xã hội hiện đại, không chỉ ở Việt Nam.

Lập gia đình muộn cũng góp phần làm phụ nữ quyết định sinh con và mang thai ngày càng muộn hơn. (Ảnh minh họa)

Lập gia đình muộn cũng góp phần làm phụ nữ quyết định sinh con và mang thai ngày càng muộn hơn. (Ảnh minh họa) 

Vì thế, vào tháng 8/2018, một loạt bài trên BJOG (Tạp chí Phụ sản Anh quốc) đã đề cập đến vấn đề  đông lạnh noãn do nhu cầu về xã hội, không phải lý do y khoa. Các tác giả khuyến cáo, phụ nữ ở độ tuổi 30 hoặc trễ hơn, nếu chưa có ý định hoặc chưa thể có con hiện tại, và dự định/mong muốn có con trong tương lai, nên đông lạnh noãn dự phòng.

Kỹ thuật đông lạnh trứng đã được sử dụng từ cuối những năm 1990 để bảo tồn khả năng sinh sản cho những phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư có nguy cơ bị vô sinh do ung thư hoặc từ các phương pháp điều trị ung thư.

Đông lạnh trứng sau đó dần trở thành một xu hướng vì nhu cầu xã hội khi nhiều phụ nữ dưới 38 tuổi muốn sinh con khỏe mạnh khi mọi việc trong cuộc sống của họ như sự nghiệp, kinh tế, hôn nhân… đã đi vào ổn định

Với kỹ thuật trữ đông bằng phương pháp thủy tinh hoá hiện tại, với số noãn đông lạnh 15 - 20 noãn (phụ nữ dưới 35 tuổi), khả năng có một đứa con sau này, khi lớn tuổi, là khá cao. Về mặt kỹ thuật y khoa, các số liệu trên thế giới cho thấy, đông lạnh noãn có hiệu quả cao nhất khi phụ nữ dưới 34 tuổi và không nên đông lạnh noãn sau 37 tuổi vì hiệu quả thấp.

Kho dự trữ noãn sẽ sớm khánh kiệt (Ảnh minh họa).

Kho dự trữ noãn sẽ sớm khánh kiệt (Ảnh minh họa).

Còn theo chia sẻ của BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trong hầu hết các trường hợp, việc mang thai sẽ giúp người phụ nữ làm chậm quá trình hình thành và tiến triển một số căn bệnh ung thư. Trong khi mang thai, người mẹ giảm bớt thời gian tiếp xúc với một số hormone liên quan đến ung thư. 

Các nhu cầu cơ bản nhất trong gia đình... đều đòi hỏi một tài chính bền vững và ổn định. Điều đó không dễ đối với các cặp gia đình trẻ.

Các nhu cầu cơ bản nhất trong gia đình... đều đòi hỏi một tài chính bền vững và ổn định. Điều đó không dễ đối với các cặp gia đình trẻ. 

Sinh con đẻ cái là một việc hệ trọng của một gia đình ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên khắp thế giới. Bản thân người phụ nữ cũng nên hiểu biết về khả năng sinh sản, để có kế hoạch phù hợp cho việc học tập, lập gia đình, sinh con, nghề nghiệp...

Theo VietnamDaily
Thiền có giúp điều trị ung thư?

Thiền có giúp điều trị ung thư?

 Thiền như một biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng trong cả tâm trí lẫn cơ thể. Việc giải tỏa căng thẳng khi thiền có thể giúp thuyên giảm một số triệu chứng cụ thể và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc ung thư.
back to top