Chuẩn bị để sinh con khỏe mạnh

(khoahocdoisong.vn) - Chuẩn bị trước khi mang thai là rất cần thiết để giúp người mẹ có được một sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ, cũng như tạo nền tảng cho bé phát triển tốt.

Xét nghiệm loại trừ các yếu tố ảnh hưởng thai nhi

Theo BSCK I Dương Ngọc Vân, chuyên khoa Sản phụ, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, trước khi muốn có thai nên khám sức khỏe tiền sản cho cả vợ và chồng để biết được tiền sử sức khỏe của mẹ và bố, hiện tại có đang điều trị hoặc sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình thụ thai hay không, để từ đó bác sĩ có lời khuyên chính xác. Mẹ nên khám phụ khoa, siêu âm ổ bụng, siêu âm tử cung- phần phụ, siêu âm vú.

Nên xét nghiệm máu kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, HIV, giang mai. Nên xét nghiệm nội tiết tố nữ để đánh giá tình trạng hoạt động cũng như khả năng dự trữ noãn của buồng trứng, sự phát triển của nang noãn và rụng trứng. Thông qua các xét nghiệm này, bác sĩ có thể phát hiện ra các rối loạn trong nội tiết tố của người phụ nữ và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Theo các chuyên gia, đối với một số phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, vòng kinh dài trên 35 ngày, người khó mang thai, phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm thì xét nghiệm nội tiết tố gần như là việc làm bắt buộc giúp sàng lọc bệnh lý liên quan đến di truyền như  bệnh lý tan máu bẩm sinh Thalassemia, xét nghiệm kiểm tra các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, thiếu máu, bệnh lý về tim, thận, lao phổi…

Nội tiết tố nữ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy, việc xét nghiệm nội tiết tố nữ được thực hiện vào nhiều ngày khác nhau. Ví dụ, trong ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của vòng kinh nên thực hiện xét nghiệm chỉ sổ FSH và LH. Trong ngày thứ 21 của vòng kinh 28 ngày thực hiện xét nghiệm chỉ số progesterone (PRG). Việc xét nghiệm chỉ số prolactin, testosterone và estrogen có thể thực hiện ở bất kỳ ngày nào trong vòng kinh, tùy thuộc vào mục đích xét nghiệm.

Ngoài ra, đối với người chồng có thể xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm máu kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục như  viêm gan B, HIV, giang mai; siêu âm tinh hoàn…

Sinh hoạt điều độ tích cực 

Theo BSCK I Dương Ngọc Vân, bố và mẹ phải duy trì lối sống sinh hoạt điều độ, tích cực, tâm lý thoải mái, loại bỏ các trạng thái căng thẳng, stress để dễ thụ thai. Bố phải kiêng các chất kích thích, rượu, bia thuốc lá…

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới chỉ ra, mức độ stress cao làm gia tăng nồng độ hormon prolactin ở nữ giới, một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Stress ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Những người phụ nữ bị stress sẽ rụng trứng ít hơn 20% so với những phụ nữ bình thường. Stress ảnh hưởng đến đời sống tình dục, làm giảm ham muốn cũng như nhu cầu tình dục nên khó đậu thai. Đối với nam giới, stress trong thời gian dài dẫn đến số lượng và chất lượng tinh trùng có xu hướng giảm xuống.

Nếu stress nặng sẽ gây đứt gãy AEN, làm tinh trùng dị dạng và bất lực. Trong các nghiên cứu sâu người ta còn thấy, stress kích thích cơ thể sinh ra steroid, một loại hormon làm giảm testosterone, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh tinh. Ngoài ra, stress cũng ảnh hưởng tới khả năng cương cứng của dương vật, giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đời sống tình dục.

Dinh dưỡng và tiêm phòng cho mẹ

Theo BSCK I Dương Ngọc Vân, để phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, người mẹ cần bổ sung các thực phầm giàu axit folic và DHA hoặc viên uống trước khi mang thai khoảng 3 tháng. Nên bổ sung các vitamin từ thực phẩm và viên uống, bổ sung sắt, phòng ngừa thiếu máu. Bổ sung protein, uống nhiều nước, tẩy giun trước khi mang thai 3 tháng và nên hạn chế các thực phẩm có hại như caffeine, các chất tạo ngọt, rượu, bia, thuốc lá.

Mẹ cần tiêm phòng trước khi mang thai để bảo vệ cho mình và thai nhi trong suốt quá trình thai kỳ. Các văcxin như sởi, quai bị, rubella, cúm, thủy đậu được tiêm trước khi mang thai 3 tháng.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top