Nano “vỗ béo” cho cây trồng

(khoahocdoisong.vn) - Muối đồng clorua nano được đưa vào phân bón vi lượng đạt hai tác dụng “vỗ béo” và tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh cho cây.

Phân bón nano

Nhận thấy tiềm năng của việc ứng dụng muối đồng (I) clorua ở kích thước nano (CuCl nano) trong sản xuất phân bón diệt nấm bệnh, Trung tâm Sinh học và Vật liệu mới, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã thực hiện sản xuất thử nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ và triển khai dây chuyền sản xuất đồng (I) clorua nano ứng dụng làm phân bón vi lượng. Sau hai năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công phân bón vi lượng chứa CuCl nano ở dạng dung dịch keo bằng cách khử ion Cu 2+ từ muối đồng CuSO4 thành ion Cu+. Các hạt CuCl kích thước nano được tạo thành kết tụ trên màng polymer sinh học chitosan (chiết xuất từ vỏ tôm, cua).Phân bón thành phẩm có hàm lượng đồng chiếm trên 98%.

TS Bùi Duy Du, Giám đốc Trung tâm Sinh học và Vật liệu mới cho biết, ở kích thước thường, các loại muối đồng mang những đặc tính của nguyên tố vi lượng đồng giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, mạnh, chóng lành các vết gãy, cắt, sống tốt trong môi trường không thuận lợi, diệt trừ nấm bệnh và biến chúng thành chất dinh dưỡng cho cây. Ở kích thước nano sẽ cho hiệu quả cao hơn bởi nó có diện tích bề mặt lớn, kích thước nhỏ, giúp nguyên tố đồng tiến nhanh, sâu vào nấm bệnh và tiêu diệt chúng từ bên trong.

Qua thực nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện muối đồng (I) clorua ở kích thước nano có khả năng diệt trừ nhiều loại nấm bệnh như rỉ sắt, nấm hồng trên cây cà phê, mốc sương trên cà chua, khoai tây, thối nhũn trên bắp cải, bạc lá trên lúa...  Khảo nghiệm ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước cho thấy, sử dụng phân bón vi lượng có chứa CuCl nano diệt trừ hoàn toàn bệnh tuyến trùng trong đất trên cây cà phê, bệnh chết nhanh trên hồ tiêu, vốn là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị. Riêng với bệnh đốm nâu trên thanh long khỏi 80% chỉ sau hai lần phun (mỗi lần cách nhau 7 ngày). Hiện nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công nghệ và dây chuyền điều chế CuCl nano ứng dụng trong sản xuất phân bón vi sinh diệt nấm bệnh.

Thay thế phân bón thông thường

Với việc nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm phân bón nano, các nhà khoa học hy vọng sẽ thay thế phân bón thông thường bằng vật liệu nano tích hợp, góp phần bảo vệ được môi trường sinh thái, không làm bạc màu đất đai, đặc biệt là làm tăng năng suất cây trồng trong khi chi phí lại giảm, hiệu quả kinh tế tăng nên người dân sẽ nhanh chóng ứng dụng. Ước tính lượng phân bón nano cần thiết cho cây trồng chỉ tương đương với 20% lượng phân bón thông thường. Mặt khác, phân bón nano cho phép tăng năng suất cây trồng nhờ tăng hiệu quả hấp thu dưỡng chất của cây trồng so với phân bón thông thường, do đó mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn cho nông dân.

Nghiên cứu chỉ ra rằng cây đậu tương có thể tăng tốc độ phát triển thêm 33%, năng suất hạt tăng 20% khi sử dụng phân bón nano P so với phân lân thông thường. Một nghiên cứu khác cho thấy cây đậu tương khi sử dụng phân bón lá chứa vi lượng Zn dưới dạng nano ZnO nồng độ 20 mg/l đã tăng lần lượt 42%, 41%, 98% và 76% chiều dài rễ, sinh khối rễ, chiều dài thân và sinh khối thân. Như vậy các loại phân bón nano đa lượng hay vi lượng đều cho hiệu quả hơn hẳn so với phân bón thông thường.

Với việc dùng phân bón nano, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ khắc phục được những vấn đề tồn đọng lâu nay như dư lượng của phân bón công nghiệp, hóa chất làm ô nhiễm đất đai, tiêu diệt các loài vi sinh vật có lợi, ô nhiễm nguồn nước và khí quyển; đất cứng lại và nhanh chóng bạc màu, kiềm hóa và cạn kiệt nguồn nước cung cấp. Đặc biệt là phân bón nano với tính an toàn cao sẽ khắc phục được việc tăng dư lượng hóa chất trong các rau củ thực vật và mô động vật, làm tăng rủi ro về an toàn thực phẩm do tình trạng sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật…

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top