Trong quá trình sử dụng, gỗ luôn chịu tác động tổng hợp của các yếu tố sinh vật (mối, mọt, nấm mục...) và phi sinh vật (nhiệt độ, độ ẩm...) làm cho bị nứt, cong vênh hoặc bị phá hủy. Đối với gỗ mọc nhanh do con người trồng nhân tạo, các tính chất gỗ thường kém hơn các loại gỗ quý rừng tự nhiên. Do đó việc nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao tính chất gỗ đáp ứng nhu cầu sử dụng là rất cần thiết.
Công nghệ xử lý gỗ bằng dung dịch nano lỏng CuO và TiO2 được thực hiện qua 6 bước. Bước thứ nhất, gỗ được xếp vào các thùng chứa theo từng lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ tiếp xúc với dung dịch, và đưa vào bồn tẩm. Tiếp theo rút chân không trong bồn tẩm để loại bỏ phần không khí có trong gỗ và bồn tẩm. Sau đó bơm dung dịch nano. Tăng áp suất trong bồn, duy trì trong khoảng 120 phút. Xả áp, rút toàn bộ dung dịch tẩm trở về thùng chứa. Cuối cùng là xếp gỗ lên giá đỡ và hong phơi tự nhiên cho ráo mặt. Kết quả thử nghiệm với gỗ keo lai, bồ đề cho thấy, gỗ sau khi được xử lý có khả năng phòng chống côn trùng, nấm mục tốt. Các tính chất cơ học, vật lý của gỗ cũng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nhà và ngoài trời.