Chưa hết hạn mỹ phẩm đã hỏng
Chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ không hiểu sao nhiều lần mua mỹ phẩm về dùng, ban đầu thì thấy rất tốt, nhưng một thời gian sau thì không còn tác dụng nhiều nữa. Đặc biệt vào mùa hè, mỹ phẩm càng nhanh hỏng. Phải chăng ở phía dưới các lọ mỹ phẩm là loại hàng kém chất lượng?
Bà Đỗ Anh Thư, – Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa’s Garden cho rằng trường hợp của chị Trang là mỹ phẩm hỏng trước hạn do không được bảo quản đúng cách. Điều này đặc biệt hay xảy ra đối với mỹ phẩm nhập ngoại khi về Việt Nam. Đa phần chị em mua một sản phẩm mỹ phẩm, nhìn thấy hạn còn dai, dùng một hai năm trời chưa bỏ. Thực tế là “hạn sử dụng lý tưởng” của sản phẩm thông thường ngắn hơn rất nhiều và cần được tính từ thời điểm sản phẩm được mở nắp.
Ở mặt sau của sản phẩm mỹ phẩm thông thường có một ký hiệu nắp hộp mở, trong đó có ghi những ký tự “3M”, “6M”, “9M”, “12M”… tương ứng với ý nghĩa sản phẩm cần được dùng trong vòng 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng… kể từ ngày mở nắp. Sở dĩ có loại hạn sử dụng đặc biệt này là do môi trường sống của chúng ta có rất nhiều vi sinh vật (vi khuẩn, nấm mốc). Kể từ ngày mở nắp, sản phẩm bị tiếp xúc với môi trường, với tay và dụng cụ bẩn. Những điều này khiến vi sinh vật không ngừng phát triển trong sản phẩm (thông thường là các sản phẩm chứa nước như kem dưỡng, sữa dưỡng, emulsion, serum…) và nhà sản xuất ước tính là sau 3 tháng, 6 tháng… thì lượng vi sinh vật sẽ đi quá giới hạn an toàn cho phép, gây ra tình trạng kích ứng cho người sử dụng.
Khi mở nắp, sản phẩm đã giảm tác dụng, có thể xuống dưới mức tối thiểu. Điển hình là các nguyên liệu chống oxy hóa - chống lão hóa. Khi bắt đầu tiếp xúc với oxy là các sản phẩm này đã bắt đầu giảm tác dụng ngay. Sau khoảng thời gian mấy tháng đó, có thể các tác dụng này đã không còn nhiều nữa. Những sản phẩm chống oxy hóa - chống lão hóa có thời hạn sử dụng rất ngắn.
Nhận biết sản phẩm hỏng
Theo chị Đỗ Anh Thư, có vài dấu hiệu của việc sản phẩm bị hỏng mà bạn quan sát được bằng mắt thường, như sản phẩm bị biến màu, biến mùi. Màu thì có thể từ sáng màu thành vàng nâu, hoặc từ có màu chuyển về mất màu. Với mùi thì đôi khi mỹ phẩm sẽ mất đi mùi thơm ban đầu, hoặc bốc lên mùi ôi của dầu, hoặc nếu là bột thì có thể bốc lên mùi hăng của mốc.
Kem dưỡng, sữa dưỡng, nhũ tương có thể tách lớp, ví dụ bạn có thể thấy váng dầu nổi lên trên, hoặc nước lắng xuống dưới. Hoặc trong chất kem/sữa dưỡng có những hạt nước/hạt dầu to bất thường. Đôi khi sản phẩm có thể lắng những vật chất xuống dưới cùng của chai. Trong trường hợp sản phẩm không hướng dẫn “lắc đều trước khi sử dụng”, thì tất cả những hiện tượng tách lớp hoặc kết tủa này đều là bất thường và bạn nên ngừng sử dụng. Bằng mắt thường, chỉ có thể nhận biết sự tồn tại của mốc – khi mốc đã phát triển đủ mạnh. Đối với mốc mới manh nha, hoặc với nhiều loại vi sinh vật khác (ví dụ vi khuẩn), thì không thể nhận biết bằng mắt thường.
“Không nên vì tiếc mà tận dụng mỹ phẩm có dấu hiệu hỏng. Bởi nếu cần dưỡng da thì chỉ cần đến những loại nguyên liệu tươi có trong nhà bếp như dưa chuột, trứng, sữa, mật ong… là bạn có thể làm được”, chị Đỗ Anh Thư.