Nắng nóng gay gắt dài ngày: Coi chừng sốc nhiệt, đột quỵ

(khoahocdoisong.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng kéo dài đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Người dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tránh sốc nhiệt, mất nước, đột quỵ.
Đợt nắng nóng gay gắt chưa có dấu hiệu kết thúc.

Đợt nắng nóng gay gắt chưa có dấu hiệu kết thúc.

Nắng nóng thiêu đốt chưa có dấu hiệu kết thúc

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, trong những ngày vừa qua, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến là 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Hà Nội nhiệt độ cao nhất phổ biến trong ngưỡng 36 - 38 độ C. Nguyên nhân chính của đợt nắng nóng lần này là do ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp tồn tại ở biên giới phía Bắc Việt Nam nối với vùng áp thấp nóng phía Tây bị nén kết hợp với hiệu ứng phơn.

Trọng tâm nắng nóng đợt này xảy ra ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hà Nội và khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ. Trong 10 ngày tới, nắng nóng và nắng nóng gay gắt tiếp tục duy trì kéo dài ở các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt cao nhất là 35 - 38 độ C, vùng núi là 37 - 39 độ C và chưa có dấu hiệu kết thúc. Khoảng từ 6/6 trở đi, nắng nóng gia tăng. Trong hai ngày 6 và 7/6 có thể nắng nóng gay gắt, nền nhiệt tăng lên 36 - 39 độ C. Thậm chí, vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, có thể xuất hiện điểm trên 40 độ C.

Với độ ẩm tương đối, thấp nhất trong ngày phổ biến 45 - 55%, thời gian có nhiệt độ cao dài từ 10 - 17h hằng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, đợt nắng nóng này còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới và đặc biệt là dựa trên phân tích hình ảnh dự báo thì đợt nắng nóng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nắng nóng gần như liên tục cả tháng, ít có khoảng gián đoạn.

Cẩn thận kẻo sốc nhiệt, đột quỵ

TS Hoàng Phúc Lâm cũng đưa ra những lưu ý sức khỏe ngày nắng nóng. Nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Trời nắng nóng thì không sử dụng các đồ uống chứa cồn. Đối với quần áo, không sử dụng các chất liệu bí, dày khiến sinh nhiệt. Nên mặc quần áo thoáng mát, sử dụng phụ kiện chống nắng. Khi ra ngoài, nên bôi kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng, uống nhiều nước.

Trời nóng hầm hập, bức xạ mặt trời tăng cao… rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ. Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt đặc biệt ở trẻ em và người già. Vào những thời điểm nắng nóng, nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, mang khẩu trang... chống nóng. Chú ý uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Trong nước lạnh, các phân tử đang tích hợp nên rất khó thấm vào tế bào. Do đó, sau khi uống, cơn khát vẫn không được giải quyết. Những người bị cảm mạo, say nắng, mồ hôi không thoát, uống nước lạnh còn có thể khiến cho cơ thể không thể tản nhiệt, làm tăng nguy cơ sốt.

Theo HLV Nguyễn Văn Thuần, Trung tâm AK Fittness & Yoga (Hà Nội), trong những ngày nắng nóng, cần lựa chọn thời điểm tập thể dục phù hợp. Không nên tập thể dục thể thao vào những thời điểm nóng nhất trong ngày (10h sáng đến 15h chiều), đây thường là thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa nóng dễ khiến cơ thể nhanh chóng bị kiệt sức. Vì vậy, chỉ nên tập trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Để đảm bảo an toàn khi tập thể dục, bạn nên theo dõi nhịp tim thường xuyên. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt, hãy kết thúc buổi tập luyện sớm hoặc đổi bài tập nếu cần thiết. Với những người tập thể dục ngoài trời, tốt nhất nên tập trước 7h sáng và sau 17h chiều.

TS Nguyễn Thị Ngoan, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho hay, bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm. Khi chỉ số tia UV mức 8 - 10, nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Đời sống
back to top