NamABank và rủi ro tiềm tàng mang tên Hoàn Cầu

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2019 hứa hẹn là năm thành công của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), với các chỉ tiêu hoạt động cao hơn những năm trước, đặc biệt là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Tốt lên

Đó là vài thông tin từ đại hội cổ đông 2019 của NamABank vừa được tổ chức cuối tháng 3/2019, tại Đà Lạt. Theo đó, các cổ đông của NamABank đã biểu quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ 3.350 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, trong đó có thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ngân hàng đặt mục tiêu trong năm 2019 tổng tài sản sẽ đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức dự kiến đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ đạt 800 tỷ đồng. Sau nhiều chờ đợi, trong kế hoạch 2019, NamABank sẽ triển khai thủ tục niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Năm 2018 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của NamABank khi hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, số lượng khách hàng đạt 450.000 (tăng gấp đôi so với năm 2017), và được NHNN chấp thuận cho mở mới 35 điểm giao dịch trên cả nước.

Tổng kết năm 2018, Báo cáo của ban điều hành NamABank cho biết, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2017 và đạt 114% kế hoạch. Dư nợ cho vay khách hàng và tổ chức kinh tế đạt 50.815 tỷ đồng, tăng 121% so với kế hoạch năm. Kết quả huy động vốn vượt kế hoạch ở mức 103%, việc cho vay tăng tới 121% cho thấy NamABank đang chuyển mình rất tốt, khi vốn cho vay tăng trưởng tốt hơn vốn huy động.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NamABank đạt 743 tỷ đồng, tăng 147% so với năm 2017, hoàn thành 232% kế hoạch. Lợi nhuận năm 2018 của NamABank có thể coi là đột biến, khi năm 2016 ngân hàng này chỉ lãi được 33 tỷ đồng, bằng chưa tới 17% so với năm 2015 (194 tỷ đồng), nguyên nhân một phần do NamABank tập trung xử lý nợ xấu. Tới năm 2017, chương trình xử lý nợ xấu của NamABank đã đạt kết quả, kéo giảm tỷ lệ này xuống còn 1,4% so với với tỷ lệ 2,9% thời điểm đầu năm.

Do lợi nhuận năm 2018 tăng đột biến, việc NamABank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 vào khoảng 800 tỷ đồng (chỉ tăng khoảng 8% so với năm 2018) là khá thận trọng. Đặc biệt khi các chỉ số hoạt động của ngân hàng đã khá tốt trong năm 2018, và kế hoạch lên sàn trong năm 2019 có khả năng sẽ được triển khai.

Trước đó, năm 2015, NamABank đã có chuẩn bị thực hiện kế hoạch lên sàn, nhưng không thực hiện được.  Năm 2018, ngân hàng có thông báo tạm dừng thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu, chốt danh sách cổ đông để hoàn tất thủ tục cho việc đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhưng  quá trình này lại bị hoãn.

Rủi ro tiềm tàng

Tại Đại hội cổ đông 2019 của NamABank, ông Võ Văn Thuần - Cục phó Cục Thanh tra, giám sát - NHNN TP.HCM - đánh giá cao hoạt động của ngân hàng trong năm 2018. Ông Thuần bày tỏ sự “phấn khởi vì cổ tức được chia trên sự an toàn về vốn” của NamABank trong năm 2019 (được NHNN chuẩn y) là 16%.

Ngoài ra, biên bản đại hội cổ đông của NamABank cho biết, NHNN đánh giá cao ngân hàng cũng được thể hiện qua việc chuẩn y phát triển mạng lưới hoạt động (của ngân hàng) trong năm 2018. Đồng thời là việc giao ngân hàng tái cơ cấu 3 quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai, và cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trên địa bàn TP.HCM.

Đáng chú ý, biên bản này còn có đoạn thể hiện: “NHNN đánh giá cao đạo đức nghề nghiệp của HĐQT, Ban điều hành, Ban Kiểm soát và tất cả cán bộ nhân viên đã đưa hoạt động của NamABank phát triển an toàn và hiệu quả”. Tuy nhiên, dường như đây là đánh giá có phần không hợp thời điểm cho lắm.

Vì chỉ vài ngày trước đại hội cổ đông 2019, ông Nguyễn Chấn - chồng của nữ doanh nhân Trần Thị Hường (hay còn gọi là doanh nhân Tư Hường) - người sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu và NamABank, đã mất năm 2017) - tổ chức họp báo để tố cáo con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT NamABank) chiếm giữ khoảng 30.000 tỷ đồng tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng ông bà. Số tài sản này bao gồm cổ phiếu do NamABank phát hành, cổ phần tại các công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần...

Sau đó, NamABank đã phát đi thông cáo, nội dung khẳng định các tranh chấp (nếu có) hoàn toàn là các quan hệ dân sự giữa cổ đông, không liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin này thuần tuý mang tính chất trấn an. Như trên đã dẫn, dù chưa từng công khai, nhưng giữa những doanh nghiệp Tập đoàn Hoàn Cầu và NamABank không loại trừ việc có những giao dịch tương hỗ - một hoạt động rất phổ biến trong các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.

Nói cách khác, không loại trừ việc NamABank nhiều năm được sử dụng như là đòn bẩy tài chính cho những dự án của chuỗi các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Trong trường hợp này, tố cáo của ông Nguyễn Chấn, dù đang chờ làm rõ, vẫn có nguy cơ trở thành chỉ báo đầu tiên cho việc lộ sáng những thương vụ cho vay mà NamABank đã thực hiện với các doanh nghiệp thuộc chuỗi Hoàn Cầu.

Như trên đã dẫn, giai đoạn trước năm 2018, lợi nhuận của NamAbank sụt giảm mạnh có nguyên nhân từ xử lý nợ xấu. Cho đến nay, thông tin việc cho vay và xử lý nợ của nhóm công ty Hoàn Cầu tại NamABank vẫn hoàn toàn mù mịt, trong khi những tranh chấp về sở hữu thì đã bùng nổ. Và sự bùng nổ này đúng là rủi ro tiềm tàng với NamABank, nếu từ đó lộ dần những vụ việc cho vay "dưới chuẩn", đặc biệt là cho vay đối với doanh nghiệp thuộc hệ thống Hoàn Cầu.  

Lưu ý là, những lình sình của NamABank đã âm ỉ thời gian dài, trước cả khi ông Nguyễn Chấn chính thức tố cáo bị chiếm giữ cổ phần. Năm 2018, một nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 16% cổ phần của NamABank (ước tính khoảng 38 triệu cổ phiếu) đã phát đơn kiện ngân hàng vì lý do “không cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ về việc số cổ phần mà họ đã từng sở hữu đã… bị mất”. Nhóm cổ đông này khiếu nại việc chuyển nhượng cổ phần là không minh bạch, khiến cho cổ đông của ngân hàng bị mất quyền sở hữu cổ phần từ lúc nào mà chính họ cũng không hay biết. Vụ việc sau đó được giao cho Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM (Cục II) thụ lý, giải quyết.

Theo Đời sống
back to top