Nam thanh niên nguy kịch do uống nhầm bình nước có chứa... thuốc trừ sâu

Trong lúc giải lao, anh P.T.H. (40 tuổi, Phú Thọ) có sử dụng nước trong một bình pha sẵn. Không may mắn, lượng nước anh uống trong bình lại chứa thuốc trừ sâu mang tên Chlorferan 240SC.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tiếp nhận bệnh nhân nam P.T.H. (40 tuổi, Phú Thọ) đến khám trong tình trạng cơ thể mệt mỏi kèm vã mồ hôi.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, trước đó 3 ngày, trong lúc giải lao, có sử dụng nước trong một bình pha sẵn. Tuy nhiên, lượng nước bệnh nhân uống trong bình lại chứa thuốc trừ sâu mang tên Chlorferan 240SC.

Nam thanh niên nguy kịch do uống nhầm bình nước có chứa... thuốc trừ sâu. Ảnh minh họa

Nam thanh niên nguy kịch do uống nhầm bình nước có chứa... thuốc trừ sâu. Ảnh minh họa

Về đến nhà, bệnh nhân H. có biểu hiện đau rát vùng lưng kèm cảm giác nóng khắp người, vã mồ hôi nhiều. Nghĩ rằng đó là các triệu chứng mệt mỏi thông thường, bệnh nhân sử dụng vitamin C và paracetamol, kết hợp nghỉ ngơi.

Sau 3 ngày, bệnh nhân thấy tình trạng không thuyên giảm, cơ thể ngày càng mệt mỏi nên quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám.

Tại đây, sau khai thác tiền sử, khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ kết luận tình trạng bệnh nhân bị tiêu cơ vân cấp và theo dõi ngộ độc hoạt chất Chlorfenapyr có trong thuốc trừ sâu Chlorferan 240SC.

Nhận thấy đây là một chất độc nguy hiểm và cực kỳ hiếm gặp, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiến hành hội chẩn cùng các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến điều trị tại đây.

Tình trạng sức khỏe của anh H. ngày càng chuyển biến xấu, dần mất ý thức, suy tạng tăng dần, tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, sau 3 lần lọc máu, như có phép màu, bệnh nhân dần lấy lại ý thức và tiếp tục được theo dõi - điều trị tích cực.

ThS.BS Phạm Duy Hưng - Phó Khoa Nội, Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, bệnh nhân P.T.H. bị ngộ độc thuốc trừ sâu diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với các ca ngộ độc thuốc trừ sâu khác mà bệnh viện từng tiếp nhận do chlorfenapyr là loại độc tính rất hiếm.

Mặc dù, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định đây là loại thuốc trừ sâu có độc tính vừa phải, nhưng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm độc là rất cao (khoảng 70%). Hiện nay, không có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do chlorfenapyr.

Ngộ độc chlorfenapyr được đặc trưng bởi độc tính chậm và làm giảm sản xuất ATP bằng cách ức chế quá trình phosphoryl hóa oxy hóa trong ty thể, do đó gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan tiêu tốn nhiều năng lượng, bao gồm hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.

Bác sĩ Hưng cho biết thêm, bệnh nhân ngộ độc chlorfenapyr được chỉ định nhập viện chăm sóc đặc biệt với các triệu chứng như sau: Vã mồ hôi nhiều; Dấu hiệu mất nước; Sốt; Tăng thông khí; Nhịp tim nhanh; Nhiễm toan chuyển hóa; Độc tính cấp tính trên thận.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc, hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có nguy cơ gây ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

Theo Đời sống
Những ai nên hạn chế đi bộ?

Những ai nên hạn chế đi bộ?

Mặc dù đi bộ là an toàn và phù hợp với tất cả mọi người, nhưng những người có tình trạng bệnh lý hoặc hạn chế về thể chất nhất định nên đề phòng hoặc tránh đi bộ trong một số trường hợp nhất định.
back to top