Nhiều quy luật bị phá vỡ
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 6/11 đã có 6 người chết do mưa lũ, trong đó có 3 học sinh. Ngoài ra, người đàn ông mất tích khi nhảy khỏi ôtô bị nước cuốn cũng chưa được tìm thấy.
Lũ cũng khiến hàng nghìn ngôi nhà ngập, tốc mái, hàng chục hecta hoa màu ngập úng…Nghìn người Khánh Hòa khốn đốn vì mưa lũ bất thường Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến 6 người tử vong, hàng nghìn ngôi nhà ở Khánh Hòa chìm trong nước, nhiều tài sản bị cuốn trôi, hàng chục hecta ngập úng…
Từ đêm 4/11 đến sáng và chiều ngày 5/11 tại TP. Hội An, nước lũ lên nhanh đã nhấn chìm nhiều tuyến đường trong khu phố cổ, hàng nghìn người dân và du khách được khẩn trương di chuyển để tránh lụt… Tại phố cổ Hội An, sông Hoài đã dâng lên mức báo động 3, một số tuyến đường như Bạch Đằng, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Phúc Chu, Phan Bội Châu bị ngập trong nước, có nơi trên 1m, khiến cho giao thông bị chia cắt hoàn toàn…
Cơn bão số 12 dù có đổ bộ bất thường vào khu vực Khánh Hòa thì cũng vẫn đang đi đúng quy luật về thời gian, các địa phương cần nâng cao cảnh giác phòng chống bão, TS Phạm Đức Thi.
TS Phạm Đức Thi, Trung tâm KH&CN Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều quy luật khí tượng thủy văn bị xáo trộn, phá vỡ. Vùng Khánh Hòa từ trước nay ít xảy ra bão lũ, lần này bão lũ gây thiệt hại lớn như vậy cũng một phần là vì người dân chủ quan trong công tác ứng phó.
Năm 1998, sau đợt El Nino kết thúc, các tỉnh Nam Trung Bộ liên tiếp hứng chịu 4-5 đợt áp thấp nhiệt đới dồn dập, gây ngập úng nặng nề. Năm nay cũng vào thời điểm chuyển giao giữa El Nino và La Nina, nên khả năng còn nhiều trận mưa bão nữa ở khu vực này là có thể.
“Vùng Khánh Hòa vốn ít bị bão lũ, nhưng khi quy luật của tự nhiên đã bị phá vỡ thì nó sẽ lặp lại. Giống như vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn là nơi an toàn nữa do bão đã “tìm đường” đổ bộ. Và cứ theo chu kỳ, việc lặp lại những hiện tượng thời tiết cực đoan ít gặp ở những vùng này lại trở thành quy luật”, TS Phạm Đức Thi cho biết.
Mùa đông năm nay lạnh hơn
TS Phạm Đức Thi cho biết, vào mỗi giai đoạn chuyển giao khí hậu như hiện nay, thời tiết sẽ có nhiều cực đoan hơn. Năm nay, giai đoạn chuyển giao từ El Nino sang La Nina nghiêng về cực âm, nghĩa là nghiêng về La Nina nhiều hơn. Do đó, mưa lũ nhiều hơn, mùa đông cũng lạnh hơn so với các năm trước đó.
Các cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã nhận định được trước điều này. Tuy nhiên, cảnh báo mưa lũ chỉ có thể đưa ra trước đó một thời gian ngắn. Việc để xảy ra thiệt hại lớn do mưa ngập tại một số tỉnh Nam Trung Bộ đang diễn ra một phần là do người dân chưa có kinh nghiệm ứng phó, dù lượng mưa không quá lớn nhưng thiệt hại nặng nề.
“Bài học từ cơn bão Linda ngày 2/11/1997 vẫn còn nguyên với người dân Nam Bộ. Bão không lớn nhưng thiệt hại thì khủng khiếp, lỗi chính là do người dân chủ quan. Thời gian tới, người dân vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ phải tiếp tục cảnh giác bởi theo chu kỳ thì vùng nay sẽ còn một vài đợt áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn nữa”, TS Phạm Đức Thi cho biết.
Nói về thông tin mùa đông năm nay có thể lạnh hơn, TS Phạm Đức Thi cho rằng đó là quy luật của chu kỳ khí hậu, khả năng chính xác tương đối cao. Biểu hiện là mới tháng 10 đã có những đợt không khí lạnh, sang tháng 11, thời tiết đã dần có những dấu hiệu của mùa đông.
“Với biến đổi khí hậu, mọi quy luật không còn đúng nữa thì cũng phải chuẩn bị mọi kịch bản để ứng phó với những hiện tượng thời tiết bất thường. Theo chu kỳ khí hậu, mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn, người dân ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa cần có sự chuẩn bị, đề phòng, tránh những thiệt hại lớn”, TS Phạm Đức Thi cho biết.
Bảo Khánh