Với khoảng 90 làng nghề, trong đó có 15 làng nghề chuyên sản xuất cơ khí, cô đúc nhôm, đồng, tẩy mạ, 19 làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, 7 làng nghề dệt, thêu ren, cùng một số làng nghề chế lâm sản… với công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún cùng ý thức bảo vệ môi trường kém nên nhiều làng nghề ở tỉnh Nam Định bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bệnh tật vì ô nhiễm
Có thể kể đến các làng nghề mây tre đan Yên Tiến (huyện Ý Yên), cơ khí đúc Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực). Nhiều làng nghề sử dụng lượng lớn các hoá chất như axít, sút, dung dịch mạ, dung môi hữu cơ, sơn màu (HCL, Andehyt, Axeton, Phenol, Xyclohecxan)... rất độc hại đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và gây viêm đường hô hấp, dị ứng, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa.
Nhiều dòng sông ở Nam Định cũng bị ô nhiễm vì nước thải làng nghề. |
Tại làng nghề Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực), ô nhiễm môi trường đang đe dọa sức khoẻ người dân, dù địa phương đã có dự án đẩy khí thải lên cao và dồn nước thải nguy hại vào hồ sinh học. Làng nghề Vân Chàng chuyên sản xuất hàng cơ khí, đúc, mạ tẩy - mỗi tháng sử dụng khoảng 300 tấn than và 112,5 tấn hoá chất các lại như axít, sút. Theo điều tra của ngành y tế, tuổi thọ trung bình của người dân Vân Chàng không vượt quá 55.
Làng nghề tái chế nhựa Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) có gần 600 lao động tham gia làm nghề. Hiện, làng nghề này vẫn chưa có bể chứa, chôn lấp chất thải rắn, trong khi ô nhiễm nguồn nước đang ở mức báo động.
Ô nhiễm môi trường khiến một số ruộng lúa bị bỏ hoang. |
Chất độc vượt ngưỡng
Các thông số COD, BOD5, tổng N (T-N) tại làng này đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,15 đến 2,6 lần, trong khi các mẫu P (T-P) vượt từ 9-11,9 lần, thông số NH3 vượt từ 1,29 đến 7,1 lần.
Tại làng nghề Yên Tiến (Ý Yên), chuyên sản xuất hàng sơn mài, đồ thờ, mây tre đan xuất khẩu có gần 70% số hộ tham gia làm nghề. Ước tính bình quân mỗi ngày Yên Tiến sử dụng 150-200 tấn tre, nứa. Mỗi năm, toàn xã sử dụng khoảng 70.000 tấn tre, nứa nguyên liệu. Để sản xuất ra thành phẩm, số lượng nguyên liệu này đều phải được xử lý thô bằng công đoạn bắt buộc là ngâm trong nước từ 2 đến 3 tháng.
“Ô nhiễm môi trường làng nghề là một câu chuyện dài và phức tạp. Rác thải công nghiệp có thể giải quyết bằng cách thu gom, xử lý. Nhưng, nước thải lại yêu cầu đầu tư kinh phí lớn, liên quan đến việc quy hoạch, giải tỏa nên cũng khó cho các làng nghề”, ông Ngô Doãn Dự, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Xuân Trường.
Do số lượng nguyên liệu quá lớn, nên toàn bộ những điểm có mặt nước của xã đều được người dân tận dụng để ngâm tre, nứa. Tất cả các vùng mặt nước của Yên Tiến dần chuyển sang màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Các số liệu quan trắc tại các kênh, ao, hồ của Yên Tiến cho thấy, các thông số độc hại đều vượt 1,1 đến 1,68 lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo kết quả phân tích, nguồn nước mặt tại Yên Tiến không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác, kể cả tưới tiêu nông nghiệp. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh về phổi, ngoài da, bệnh tiêu hóa, bệnh mắt và ung thư tăng cao.
Rác trên sông TT7 trước cổng UBND xã Xuân Tiến. |
Sông quê bốc mùi, ứ rác
Tại làng cơ khí nổi tiếng nước ta là Xuân Tiến (Xuân Trường), tình trạng môi trường bị ô nhiễm cũng thành mối lo của người dân. Ngoài ô nhiễm nguồn nước tại sông Trà Thượng, sông TT7 thì ô nhiễm không khí do bụi, sơn cũng rất đáng lo ngại.
Theo quan sát của PV báo KH&ĐS, tại cánh đồng Xuấn Tiến tiếp giáp với cụm công nghiệp một phần không nhỏ diện tích lúa gần như để hoang. Theo một số người dân, do các chất độc tích tụ theo nguồn nước ngấm xuống ruộng nên lúa không thể sống được.
Sản xuất máy cơ khí khiến xã Xuân Tiến bị ô nhiễm. |
Còn trên đường, những xưởng sản xuất máy cơ khí thì liên tục phun sơn. Mặt đường nhiều chỗ dày đặc màu sơn khiến cụm công nghiệp như bức tranh nham nhở.
Theo giải thích của ông Mai Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Xuân Tiến: “Xã thuộc cuối nguồn nên rác tích tụ nhiều. Nước sông có mùi là do mật độ dân số đông, nước thải sinh hoạt đổ ra nên chỉ 3 ngày mà cống Trà Thượng không mở thì lập tức bốc mùi”.
Trên sông Trà Thượng cũng như sông TT7, nước có màu đen, bốc mùi và nhiều rác trôi nổi. Ngay trước cổng UBND xã Xuân Tiến, sông TT7 tràn ngập rác thải, bốc mùi xú uế khiến nhiều người đi đường phải bịt mũi.
Cũng theo ông Tân, trước đây khi thành lập cụm công nghiệp, do chưa có luật liên quan đến môi trường nên nước thải công nghiệp từ các đơn vị sản xuất đều thải ra sông. Mấy năm qua, chính quyền đã vận động doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ nguồn nước.
Cảnh đốt rác trộm ngay cạnh cụm công nghiệp Xuân Tiến. |
Theo số liệu của UBND xã Xuân Tiến, cả xã có khoảng 642 cơ sở sản xuất cơ khí, lâm sản và các ngành nghề công nghiệp được xác định. Còn vài trăm cơ sở, hộ cá thể làm nghề nhưng không thể xác định do tính chất sản xuất mùa vụ.
Chính vì thế, xã Xuân Tiến như một công xưởng sản xuất khổng lồ. Do không được quy hoạch chi tiết, không được đầu tư công nghệ xử lý và ý thức kém nên môi trường đã ô nhiễm lại ngày thêm trầm trọng.
“Cụm công nghiệp Xuân Tiến được thành lập từ năm 2000 với 8,7ha. Theo chủ trương của tỉnh, chúng tôi đang tiến hành lập thủ tục dự án mở rộng tăng thêm 9,16ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề cơ khí ra ngoài nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Mai Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Xuân Tiến.