Lần phóng này có tên gọi là Chuyến bay thử nghiệm 2, được thực hiển để phát triển một đầu đạn siêu âm, có thể được phóng bằng các tên lửa vận tải phóng từ mặt đất và tàu ngầm .
Trung tướng Lục quân L. Neil Thurgood, Giám đốc chương trình Hypersonics, lãnh đạo các hoạt động về Năng lượng, Không gian và mua sắm trang thiết bị thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Quân đội Mỹ về Phát triển trang bị, Hậu cần và Công nghệ, giới thiệu video này trong cuộc họp báo ngày 04.08.2020.
Bài thuyết trình là một phần báo cáo của Hội nghị chuyên đề về Không gian, Phòng thủ tên lửa (SMD) hàng năm, được tổ chức trực tuyến trong năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Video bắt đầu bằng cảnh quay tên lửa thử nghiệm đang trên bệ phóng tại Căn cứ thử nghiệm Tên lửa Thái Bình Dương ở Kauai, Hawaii ngày 19.03.2020. Sau đó, tên lửa được phóng vào không gian. Phát ngôn viên của Lục quân và Hải quân tuyên bố "cuộc thử nghiệm này được phát triển trên kết quả mà chúng tôi đã đạt được với Chuyến bay Thử nghiệm 1 vào tháng 10.2017". Đây là vụ phóng một nguyên mẫu tên lửa siêu âm từ một tàu ngầm lớp Ohio.
Trung tướng Thurgood cho biết: “Trên màn hình, tên lửa bay với tốc độ cao”, nhưng ông không đưa thông tin cụ thể về tốc độ của đầu đạn.
Các phương tiện bay gia tốc siêu âm, bao gồm cả đầu đạn tăng tốc Hypersonic Glide Body (C-HGB) của Quân đội và Hải quân, không có động cơ đẩy phản lực. Tên lửa vận tải sẽ đưa đầu đạn lên độ cao tối ưu và cung cấp vận tốc ban đầu trên 5 Mach. Sau đó, đầu đạn bay lướt xuống mục tiêu với tốc độ siêu âm gia tăng nhanh chóng trong bầu khí quyển theo một quỹ đạo phức tạp. Đầu đạn cũng có khả năng cơ động trên mặt phẳng ngang.
Khả năng này khiến các đầu đạn bay tăng tốc siêu âm có một quỹ đạo bay không thể dự đoán trước so với đầu đạn của tên lửa đạn đạo truyền thống, thậm chí trong trường hợp được thiết kế để cơ động. Đặc điểm này khiến đối phương khó phòng thủ đánh chặn, tốc độ siêu cao khiến các mục tiêu không kịp thay đổi vị trí hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Video hiển thị một giai đoạn bay của C-HGB. Đó là "một chuyến bay không quá dài", trung tướng Thurgood nhấn mạnh.
Quân đội Mỹ không thông báo đầu đạn C-HGB bay với tốc độ nào trong Chuyến bay thử nghiệm 2 hoặc khoảng cách bay. Lầu Năm Góc trước đó tuyên bố, vũ khí này sẽ cho phép quân đội và hải quân "tiến hành tấn công mục tiêu trên khoảng cách hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dặm" và đầu đạn đạt đến tốc độ Mach 17.
Video mà trung tướng Thurgood kết thúc bằng clip đầu đạn siêu âm tăng tốc đánh trúng mục tiêu. "Đó là vụ nổ khi đạn bay đến mục tiêu" - ông nói, nhưng không giải thích đây là vụ nổ của đầu đạn hay là hiệu ứng động học khi phương tiện bay lao vào khu vực mục tiêu với tốc độ siêu âm.
Sĩ quan cao cấp Lục quân tuyên bố không đi sâu vào "những chi tiết của vụ thử nghiệm", nhưng nói thêm rằng vũ khí này "rất chính xác ... sai lệch nằm trong khoảng cách mà chúng tôi yêu cầu".
Biên tập viên quân sự của tạp chí “Tuần hàng không", cây viết thường xuyên của War Zone Steve Trimble nhắc lại, tổng thống Trump, trong bài phát biểu tại West Point, khi nói về vũ khí siêu âm của Quân đội-Hải quân hồi tháng 6 cho biết có thể tấn công mục tiêu với "độ sai lêch trong vòng 14 inch. Trump cũng gọi vũ khí này là một " tên lửa siêu lừa- super duper missile", có thể với ý nghĩa là không thể đánh chặn.
Không có thông tin về cuộc thử nghiệm bay tiếp theo của C-HGB. Quân đội Mỹ hy vọng sẽ thử nghiệm một hệ thống chiến đấu đầy đủ trên mặt đất năm 2022, đưa vào biên chế vào năm sau. Hải quân có kế hoạch trang bị phiên bản đầu tiên trên các tàu ngầm lớp Virginia Block V.
Không quân Mỹ cũng đã từng tham gia chương trình C-HGB, phát triển một tên lửa vận tải phóng từ trên không, nhưng sau đó tuyên bố tạm dừng trong yêu cầu ngân sách mới nhất cho năm tài khóa 2021. Không quân Mỹ sẽ tập trung phát triển tên lửa AGM-183A Air-launched Rapid Response Weapon (ARRW), một thiết kế đầu đạn siêu thanh khác, có thể được trang bị cho máy bay ném bom B- 52 vào đầu năm 2021.