Mỹ phẩm Phương Trang Charm, Chamis quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Ngoài việc bị xử phạt 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh mỹ phẩm 4,5 tháng, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Phương Trang còn có dấu hiệu quảng cáo sản phẩm Charm và Chamis như thuốc chữa bệnh.

Theo quyết định của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Phương Trang (Mỹ phẩm Phương Trang Charm, Chamis, số 120 đường số 2, CX Đài Ra đa Phú Lâm, phường 13, quận 6, TP HCM) bị phạt 50 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh mỹ phẩm 4,5 tháng.

Cơ quan chức năng cho hay, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Phương Trang (Công ty Phương Trang) đã đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm hoặc hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông sau thời điểm số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn mà chưa công bố lại theo quy định của pháp luật.

Đây là công ty được thành lập năm 2008, chuyên kinh doanh, phân phối sản phẩm mỹ phẩm mang 2 nhãn hiệu Charm và Chamis.

Sản phẩm Charm, Charmis được quảng cáo như thuốc điều trị mụn, thâm, nám

Theo khảo sát ngày 20/9 tại tài khoản Facebook “Mỹ phẩm Phương Trang”, nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu Charm và Chamis được quảng cáo có tác dụng "trị", "đặc trị", “điều trị" mụn, thâm, nám,... như thuốc chữa bệnh.

Với cách quảng cáo dùng các từ như “trị”, “điều trị”, “đặc trị”, người tiêu dùng không khỏi hoang mang vì không biết mỹ phẩm hay là thuốc. Ảnh chụp màn hình.

Với cách quảng cáo dùng các từ như “trị”, “điều trị”, “đặc trị”, người tiêu dùng không khỏi hoang mang vì không biết mỹ phẩm hay là thuốc. Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, kem thoa da Chamis được quảng cáo với hàng loạt mỹ từ: "Kem đặc trị mụn siêu tốc Chamis”, “Hỗ trợ điều trị mụn, giảm viêm, tiêu sưng, mờ thâm, giảm sẹo, se khít lỗ chân lông”...

Tương tự, kem xóa nám, tàn nhang Charm được quảng cáo: “Đặc trị nám sạm từ gốc; tái tạo làn da không tì vết”. Kem dưỡng trắng da Chamis thì “dưỡng trắng, trị nám, an toàn và hiệu quả cao”...

Theo quy định của pháp luật, việc quảng cáo và giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm có công dụng giống thuốc chữa bệnh không được chấp nhận trong việc công bố tính năng của sản phẩm. Quảng cáo mỹ phẩm có tính năng như “trị”, “điều trị”, “đặc trị” dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng đó là thuốc, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thương (quận Long Biên, TP Hà Nội) đặt câu hỏi: Những lời quảng cáo hào nhoáng về mỹ phẩm được nhà sản xuất, phân phối tung hô như thuốc chữa bệnh với giá thành không hề rẻ. Tuy nhiên, đằng sau từ ngữ như “rót mật vào tai” ấy, sản phẩm này liệu có thực sự an toàn và chất lượng?

Sản phẩm kem thoa da Chamis được quảng cáo "trị mụn siêu tốc", gây hiểu nhầm có công dụng như thuốc.

Sản phẩm kem thoa da Chamis được quảng cáo "trị mụn siêu tốc", gây hiểu nhầm có công dụng như thuốc.

Quảng cáo gian dối, xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, luật sư Lê Hồng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm được xem là có dấu hiệu “quảng cáo gian dối”. Đó là hành vi quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng, giá tiền và giá trị sử dụng thật của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.

Các từ “trị”, “điều trị” “đặc trị” đều mang ý nghĩa chữa khỏi, trong khi mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng với mục đích chính để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Do đó, việc sử dụng các từ hay cụm từ trên dễ gây nhầm lẫn về chất lượng, hiệu quả sử dụng, có thể để lại hậu quả không nhỏ tới sức khỏe của khách hàng.

Luật sư Hồng nói thêm, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng của sản phẩm, hàng hóa có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật Quảng cáo 2012 quy định 16 hành vi bị cấm trong quảng cáo, trong đó khoản 9, Điều 8 quy định: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Cụ thể, cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo gian dối có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5 - 7 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong 6 tháng. Đồng thời, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin gian dối, không đúng sự thật đã đăng tải quảng cáo.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể bị xử phạt theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo các chuyên gia, thực trạng quảng cáo “nổ” quá đà công dụng của mỹ phẩm qua nhiều hình thức, chiêu trò, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng, đã đến mức báo động. Nhiều doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng bất chấp pháp luật, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông với thông tin vượt quá tầm về chức năng của sản phẩm.

Các chuyên gia khuyến cáo, để không rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, người tiêu dùng không nên kỳ vọng, cả tin quá mức vào những sản phẩm được quảng cáo thần thánh hóa. Đồng thời, người tiêu dùng cần tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng đối với hàng trăm nghìn sản phẩm đang được chào bán.

Theo Đời sống
back to top