Muối biển nhiễm nhiều hạt vi nhựa có nguy cơ gây viêm ruột, đại tràng

(khoahocdoisong.vn) - Có đến 90% sản phẩm muối ăn được lấy mẫu từ nhiều nơi nhiễm hạt vi nhựa. Vậy nó gây nguy hại gì?

Theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace khu vực Đông Á thực hiện, có đến 90% sản phẩm muối ăn nhiễm hạt vi nhựa.

Nghiên cứu này cho hay, tổng cộng có 9 loại hạt nhựa có trong cơ thể người, phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Thông tin này thực sự báo động về tình trạng ô nhiễm cũng như thói quen sử dụng đồ nhựa không đạt chuẩn.

Các nhà khoa học ước tính trung bình một người trưởng thành đưa vào cơ thể xấp xỉ 2 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm thông qua muối. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hàm lượng vi nhựa trong muối hiện tại là thấp và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên nếu tình trạng ô nhiễm cứ tiếp diễn, hàm lượng này có thể tăng lên và trở nên có hại cho chúng ta.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Trong dầu gội, kem đánh răng... đều chứa các hạt vi nhựa để làm sạch. Khi chúng ta sử dụng xong chúng được đổ ra rãnh, sông, suối và biển.

Các hạt vi nhựa thường chảy vào đại dương vì chúng quá nhỏ để được lọc bởi các nhà máy xử lý nước thải. Cá và các loài sinh vật biển khác sẽ ăn những hạt nhựa tí hon này vì nhầm chúng là thức ăn. Và cuối cùng chúng lại quay vào cơ thể chúng ta thông qua ăn uống.

Nếu cơ thể chưa nhiều hạt vi nhựa nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hà Văn Thuyết, Viện công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm chia sẻ thêm, vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật. Sau đó đến lượt chúng bị ăn theo chuỗi thức ăn, và con người sẽ ăn các hạt vi nhựa. Hoặc khi muối đựng trong các lọ nhựa sẽ thôi ra, các phân tử nhựa phân tán dần, hay muối ăn mòn dần các đồ nhựa, chúng ta sử dụng, các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan.

Mặt khác, các hạt nhựa ở dạng phân tử, kết hợp với tế bào cơ thể gây ra các tụ điểm khiến có thể xuất hiện bệnh lý. Nếu trong tổ hợp tế bào có điểm ngoại lai, lúc bấy giờ các tế bào khác mới phủ lên tạo thành tổ hợp gần như ung thư. Các phân tử nhựa nhỏ lẫn vào thành ruột, trong thành ruột có các “lỗ không”, khi cơ thể có nhiều hạt vi nhựa làm cho viêm tấy, viêm ruột, đại tràng… Vì vậy, để tránh nhiễm độc các hạt vi nhựa từ thực phẩm chúng ta cần bảo vệ môi trường, nên hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, nhất là nhựa PA.

Trên thế giới, mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa số nhựa này lại trở thành rác thải trong gần một năm sau. Năm 2014, các nhà khoa học ước tính, các đại dương phải nhận khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, trong đó có từ 15 đến 51 nghìn tỷ mảnh nhựa vi mô, với trọng lượng ước tính từ 93 đến 236 ngàn tấn.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top