Mùa xuân nói về chữ “Hỷ”

(khoahocdoisong.vn) - Chữ Hỷ có rất nhiều ý nghĩa không chỉ trong ngày Tết hay các đám cưới, ngày vui... mà còn liên quan đến cả sức khỏe con người. Nay Tết đến Xuân về xin giới thiệu về chữ Hỷ để bạn đọc cùng suy ngẫm.

Tự bao đời, chữa Hỷ được dùng rất rộng rãi trong dân gian. Có hai chữ Hỷ: Chữ Hy đơn – một mình chữ Hỷ. Chữ Hỷ kép – hai chữ Hỷ ghép lại là song hỷ. Bộ Hán ngữ đại từ điển đã giải thích về chữ Hỷ như sau:

Từ xa xưa, chữ Hỷ bắt đầu cấu tạo từ chữ thảo (bộ thảo) từ chữ đậu. Sau đó người ta giải thích là chữ cổ là cái trống (tượng hình). Sau này mới thêm chữ chi ở bên phải và tạo thành chữ cổ hoàn chỉnh. Trống là một loại nhạc cổ xưa. Còn chữ cổ tượng hình nói trên, được viết thêm chữ khẩu ở dưới để tạo thành chữ Hỷ. Có nghĩa là trống được kê cao, khi đánh lên, trống vang xa, mọi người nghe thấy đều vui mừng hoan hỷ trong những dịp lễ hội của dân gian.

chu-hy.jpg

chu-hy.jpg

Chữ Hỷ đơn có nghĩa là vui mừng, vui vẻ, phấn khởi, ưa thích. Nếu nói chữ người ta nói hoan hỷ, hỷ hoan... Nhà có việc vui mừng người ta gọi là hỷ sự. Có điều gì vui mừng sẽ đến, như chim thước báo tin vui, cũng gọi là hỷ triệu.

Ngày Tết, nhiều cơ quan, gia đình thường viết 4 chữ “Chúc mừng năm mới” nếu là chữ Hán thì viết  “Cung Hỷ (hoặc cung chúc) tân niên”để trang trí ở trong nhà ngoài cửa cho tăng thêm không khí vui mừng của ngày Tết.

Ngày Tết người Trung Quốc cũng thường hay chào nhau, chúc nhau bằng câu “cung hỷ tân niên” hay chỉ nói hai chữ “Cống hỷ”, cũng đủ rồi.

Tờ thiếp mời dự đám cưới, gọi là “Hỷ thiếp”, trong đó in chữ “Song hỷ” rất to chừng 5 cm2. Những cặp vợ chồng trẻ mới cưới, ít lâu sau người vợ đã có thai đầu lòng, gọi là “hữu hỷ” hay “hữu hỷ tín”, tức là có tin vui, tin mừng.

Giữa thiên nhiên với con người, cũng có từ “hỷ vũ”, có nghĩa là “nắng lâu gặp trận mưa rào, hỏi niềm vui ấy vui nào vui hơn” (cửu hạn phùng vũ). Vì vậy mới gọi là hỷ vũ.

Trong xã hội, các bậc cha mẹ, nhiều người cũng đặt tên cho con mình ngay từ khi mới sinh ra là Hỷ, những mong con mình sau này lớn lên ra đời làm ăn gặp nhiều sự vui mừng và may mắn.

Trong mỗi người chúng ta đều có 7 tình cảm như: Hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh, hay Hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, lo, nghĩ, thương xót, sợ hãi, hay mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn) thì chữ Hỷ được xếp lên hàng đầu. Bởi lẽ Hỷ là vui mừng, sung sướng, vui vẻ. Trong những ngày lễ hội, những ngày có việc vui mừng của gia đình, bạn bè, đặc biệt là những ngày đón mừng năm mới, người người tràn ngập niềm vui để tạm quên đi sự lao động vất vả quanh năm làm cho tinh thần phấn chấn, tâm hồn cởi mở hãy đón nhận không khí ấm áp tưng bừng của ngày xuân mới, để rồi sau đó lại tiếp tục bước vào lao động, công tác hăng say, tạo dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn mà người ta gọi là cái “ngưỡng” của nó. Nếu do một nguyên nhân nào đó, 1 trong 7 tình cảm nói trên (trong đó có chữ Hỷ) vượt quá giới hạn thì sẽ bị bệnh, như: Hỷ nộ bất tiết tắc âm khí thượng nghịch, có nghĩa là quá tức giận không kìm chế được thì âm khí xối nghịch lên (Thiên điều kinh sách Tố Vấn).

Hỷ tắc khí hoãn, nghĩa là quá mừng thì tổn thương tâm khí, tâm khí tản mạn không thu về được.

Hỷ tiếu bất hưu: Hay cười, cười mãi không thôi sẽ làm cho tâm thần bị tổn thương... vì chữ Hỷ còn có nghĩa là thiên về, quá ư trong trường hợp này.

Chữ Song hỷ

Chữ Song hỷ

Về chữ Song Hỷ theo truyền thuyết chữ Song hỷ này có liên quan tới Vương An Thạch là Quan tể tướng đời nhà Tống (Trung Quốc) khi lớn lên, Vương An Thạch lên kinh đô đi thi. Sau khi thi xong đã có người gả con gái cho. Vừa vặn lúc đó lại có người đến báo tin là anh thi đỗ, có tên trên bảng vàng. Đã vui lại thêm vui (hỷ thượng gia hỷ), Vương An Thạch liền cầm bút viết luôn hai chữ Hỷ liền nhau tức là song hỷ và dán ngay ở trước cửa. Như vậy, chỉ trong chốc lát làm tăng thêm bầu không khí vui mừng của hôn lễ. Từ đó, người ta lần lượt bắt chước, lấy chữ “Song hỷ” này làm tiêu chí vui mừng cho các buổi hôn lễ trong cộng đồng. Và trong từ điển chữ Hán cũng ghi bốn chữ “Song hỷ lâm môn”. Có nghĩa là hai niềm vui đến cùng một lúc hay niềm vui được nhân đôi. 

Xin được giới thiệu thêm mấy câu đối có chữ Hỷ trong ngày xuân và lễ cưới:

Ngày Xuân:                    “Nhật lãng xuân quang mỹ

                                                              Gia khang hỷ sự đa”

Tạm dịch: Ý 1               “ Nắng xuân tươi đẹp, trời quang

                                         Niềm vui tràn ngập an khang cả nhà”

             Ý 2:                 “Đẹp trời rực rỡ nắng xuân

                                    Gia đình mạnh khỏe đa phần niềm vui”

Lễ cưới                            “Mỹ tửu doanh tôn gia tân mãn tọa

Xuân phong nhập hộ hỷ khí lâm môn ”.

Tạm dịch:                         “Rượu ngon khách quý đầy nhà

Gió xuân vào cửa, vui đà vui hơn”

Tóm lại, chữ Hỷ là hoan hỷ, là niềm vui mãi mãi của mọi người, của mọi nhà, tồn tại đời đời, kể sao cho xiết. Nhân dịp Xuân về, xin kính chúc các bạn dào dạt niềm vui:

Xuân về đua nở trăm hoa

Đón xuân hoan kỷ, nhà nhà cùng vui

Vui để tạo dựng cuộc đời

Hòa bình hạnh phúc, người người ấm no.

TTND.LY Giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông Y Việt Nam)

Theo VietnamDaily
back to top