Mùa bão sẽ kéo dài
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cho đến thời điểm này có thể nhận định năm nay bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện nhiều. Dù không nhiều như năm 2013 (19 cơn trong đó có 2 cơn bão rất mạnh và 1 siêu bão), nhưng năm nay bão/ATNĐ đã xuất hiện nhiều hơn 3 năm liên tiếp (2014 – 2016).
Tính đến thời điểm này chúng ta đã đón 12 cơn bão/ATNĐ, trong đó có cơn bão số 10 vừa qua, là một cơn bão rất mạnh. Dự báo từ tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4 – 5 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và Nam biển Đông. Trong số đó có khoảng từ 1 – 2 cơn bão/ATNĐ có khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta.
Nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều bão có liên quan đến sự xuất hiện đầy bất ngờ của hiện tượng La Nina yếu. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các bản tin đều cho thấy, những tháng cuối năm hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện hoặc duy trì ở trạng thái trung tính hơi nghiêng về pha El Nino.
Tuy nhiên, các bản tin mới nhất được cập nhật ngay trong các ngày cuối tháng 9 này đã cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Các cơ quan dự báo trên khắp thế giới đều đồng loạt khẳng định, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 (một chỉ tiêu đánh giá sự xuất hiện của El Nino – La Nina) đang có xu hướng lạnh đi rõ rệt so với các tháng trước đó.
Ảnh minh họa.
Với những diễn biến như vậy đa số các mô hình dự báo đều có sự điều chỉnh so với những dự báo trước đây. Theo đó, hiện tượng ENSO (El Nino Southern Oscillation – là thuật ngữ để chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nina) vẫn được dự báo ở pha trung tính trong các tháng cuối năm 2017, nhưng có xu hướng chuyển dần trạng thái sang pha La Nina yếu vào đầu năm 2018.
Hệ quả của diễn biến lạnh đi của nhiệt độ mặt nước biển với chế độ thời tiết, khí hậu, thủy văn ở nước ta đó là khả năng mùa bão/ATNĐ sẽ kéo dài. Một nguyên nhân nữa có thể lý giải về việc năm nay nhiều bão là do chúng ta đã có 3 năm liên tiếp khan bão, ít mưa và hạn hán.
Khí hậu, thời tiết, dù có bất thường đến mức nào, chúng vẫn phải có sự bù đắp, sau vài năm khan bão/ATNĐ, chúng sẽ được bù đắp lại bằng một hoặc vài năm liên tiếp ôn hoà hơn. Đó cũng là một quy luật bù – trừ của Mẹ Thiên nhiên.
Hệ quả của diễn biến lạnh đi của nhiệt độ mặt nước biển (La Nina) với chế độ thời tiết, khí hậu, thủy văn ở nước ta trong những tháng cuối năm 2017 đó là: Khả năng mùa bão/ATNĐ sẽ kéo dài, mùa mưa, lũ ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc muộn hơn, mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng cuối năm.
Hệ quả của diễn biến lạnh đi của nhiệt độ mặt nước biển (La Nina) với chế độ thời tiết, khí hậu, thủy văn ở nước ta trong những tháng cuối năm 2017 đó là: Khả năng mùa bão/ATNĐ sẽ kéo dài, mùa mưa, lũ ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc muộn hơn, mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng cuối năm.
Ông Lê Thanh Hải
Đề phòng dịch bệnh tăng cao
Mấy ngày nay, nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt bởi trời lúc nắng, oi bức, ngay sau đó lại chuyển mưa. Theo ông Lê Thanh Hải, kiểu thời tiết nắng, oi bức xen kẽ những ngày mát mẻ và có mưa thu ẩm ướt hiện nay không có gì quá đặc biệt hay khác thường, đây là kiểu thời tiết đặc trưng của mùa thu ở Bắc Bộ và Thanh Hoá.
Trời tuy nắng, oi bức nhưng không phải là nắng nóng gay gắt như mùa hè, nắng mùa thu chỉ ở mức trên 32 – 34ºC. Ngoài ra, thời gian nắng cũng ngắn (nắng chỉ kéo dài từ 10h – 16h hằng ngày), buổi sáng sớm, chiều tối và đêm tương đối mát mẻ. Kiểu thời tiết này năm nào cũng lặp lại.
Tuy nhiên, năm nay, do hệ quả diễn biến lạnh đi của nhiệt độ mặt nước biển, mùa mưa kết thúc muộn, nên từ đầu mùa thu đến nay, xen kẽ những ngày nắng là những đợt mưa liên tiếp. Do ảnh hưởng của mưa, độ ẩm không khí cao sẽ tạo điều kiện cho muỗi và các loại côn trùng mang vi khuẩn, virus hoạt động mạnh.
Vì vậy, nguy cơ các bệnh như sốt xuất huyết, sốt siêu virus… có thể sẽ tăng cao. Người dân cần hết sức đề phòng các bệnh này trong mùa thu năm nay.
Đức Anh