Mưa lớn quay trở lại từ chiều mai, cảnh giác dấu hiệu thiên tai nguy hiểm

Từ chiều mai (13/10), bão số 8 gây mưa to ở miền Bắc cùng nhiều vùng trên cả nước. Người dân cần nâng cao cảnh giác các dấu hiệu sạt lở đất, lũ quét.

Mưa lớn nhiều ngày, sạt lở hàng nghìn khối đất đá

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 7, mưa lớn đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước gây sạt lở.

Tại Bắc Bộ, mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến quốc lộ ở khu vực miền núi, gây ách tắc giao thông.

Trong đó, có đoạn đường tránh Quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lai Châu tại Lào Cai; tuyến tỉnh lộ 435 đi qua phường Thái Bình, TP. Hòa Bình sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá,

sat-lo.jpg
Một điểm sạt lở gây ách tách giao thông trên Quốc lộ 4D qua thị xã Sa Pa. Ảnh: QĐND,

Tại Lâm Đồng, trong đêm 6/10, thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương đã bị hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống, bùn bao phủ cả khu vực rộng lớn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều mai (13/10) đến ngày 14/10, do ảnh hưởng của bão số 8, ở khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to.

Từ ngày 15/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.

Trao đổi với KH&ĐS, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, với nguy cơ cơ mưa lớn kéo dài nhiều ngày, người dân luôn đề cao cảnh giác với các hiện tượng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Cảnh giác những dấu hiệu sạt lở đất

Ông Phùng Tiến Dũng cho biết, nguy cơ sạt, trượt lở đất thường xảy ra tại những khu vực miền núi, nơi có sườn dốc cao, độ dốc lớn, lớp đất đá bề mặt bị phong hóa, bề mặt thảm phủ bị suy giảm khi có bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ

Sạt lở đất có nguy cơ gây thiệt hại lớn về con người và tài sản vật chất, vì thế cần nâng cao cảnh giác, đề phòng.

Theo đúc kết của các nhà khoa học địa chất đã nghiên cứu, sạt lở đất thường có các dấu hiệu sau đây, người dân cần chú ý quan sát:

Khi các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại) xuất hiện các vết sạt, trượt lở, thay đổi dòng chảy. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Vỡ mạch nước ngầm.

Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển; cửa nhà hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra.

Trên tường, trần thạch cao, gạch nền xuất hiện trên tường các vết nứt mới. Lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi.

Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống.

Có những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau. Khi nghe thấy tiếng rơi với âm lượng tăng dần của đất đá, tức là sạt, trượt lở đất có thể sắp xảy ra.

Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc, người dân cần chủ động việc phòng tránh cho bản thân và cho gia đình, cộng đồng.

Cụ thể, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai từ thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng trong mùa mưa bão; tham gia đầy đủ các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng chống thiên tai.

Theo dõi thông tin sạt lở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu sạt lở đất.

Khi có hướng dẫn của chính quyền địa phương thì sẵn sàng sơ tán. Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy những dấu hiệu đã nêu ở trên.

Dự báo, từ đêm mai (13/10) đến ngày 14/10, ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; một số nơi ở phía Bắc hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh. 

Theo Đời sống
back to top