Một cải cách nhưng hai ba điểm khác kéo lại

(khoahocdoisong.vn) - Điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại lớn nhất để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các văn bản pháp luật đang có xu hướng thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Tăng điểm nhưng vẫn tụt hạng

Vào cuối tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 toàn cầu. Điểm đáng chú ý trong báo cáo này là Việt Nam đã tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng lại giảm 1 bậc trên bảng xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam tụt hạng (cùng tụt 1 bậc).

Trong giai đoạn 2016-2018, có 2 chỉ số cải thiện vượt trội, cụ thể tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc. Có 3 chỉ số tăng hạng nhờ cải cách là tiếp cận tín dụng, khởi sự kinh doanh và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng hạng nhưng không phải do cải cách mà do các nước khác giảm bậc.

Tuy nhiên vẫn có tới 4 chỉ số giảm bậc, cụ thể, giao dịch thương mại qua biên giới giảm 11 bậc, bảo vệ cổ đông thiểu số giảm 10 bậc. Đăng ký tài sản giảm 5 bậc do nhiều năm không có ghi nhận cải cách. Cấp phép xây dựng giảm một bậc do thời gian cấp phép xây dựng kéo dài gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.

Hiện, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN nhưng còn khoảng cách rất xa so với 3 nước đứng đầu là Singapore, Malaysia và Thái Lan - WB cho hay.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), việc cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, thách thức.

“Dường như, sự thay đổi trong hoạt cải cách còn chậm chạp và khá ít. Thêm vào đó, điều đáng lo ngại là có xuất hiện xu hướng mở rộng thậm chí chỉ là thay đổi cách thức thực thi các rào cản kinh doanh,” bà Thảo nhận định.

Cụ thể như quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ – CP về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Theo đó, nếu như trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì nay phải xin giấy phép của 9 bộ với cùng một nội dung công việc. Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ, với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng/người.

Có thể thấy, các văn bản pháp luật có xu hướng thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Quản lý chuyên ngành chậm cải cách hoặc cải cách hình thức, thiếu thực chất. Chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh đó, có tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện hay cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực hiện khác nhau, gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp.

Một cải cách, nhưng hai ba điểm khác kéo lại

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam có 33 cải cách được WB ghi nhận trong giai đoạn từ 2008 tới nay. Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã cùng hành động với các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, Nghị quyết 35 của Chính phủ, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành…

Nhấn mạnh các kết quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh, song ông Tuấn cũng cho biết theo đánh giá chung của doanh nghiệp, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. Hai khó khăn chính với doanh nghiệp được kể ra gồm khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch.

Trong khi đó, khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện đã giảm bớt. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép này đã giảm còn 34%, so với 42% năm trước đó.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp”. Có 31% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, 29% gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, 16% phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động.

Cũng theo ông Tuấn, tiếp cận điện năng được đánh giá tốt nhưng hạ tầng giao thông còn yếu kém. Cũng có tới 37% doanh nghiệp đánh giá tiếp cận vốn là khó khăn.

Trong khi đó, thủ tục hành chính thuế có những cải thiện, 80% doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện các nghĩa vụ thuế, đa số đánh giá quy trình thủ tục thuế dễ làm hơn trước. Ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là một điểm sáng của ngành thuế.

Còn thủ tục hải quan có cải thiện nhưng cần làm tốt hơn kiểm tra chuyên ngành, khi chỉ khoảng 15-27% doanh nghiệp cho biết dễ tuân thủ các thủ tục kiểm tra này.

Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp còn thấp. Cải cách tư pháp ở địa phương còn diễn ra chậm chạp. Kết quả khảo sát cho thấy có chưa tới 50% doanh nghiệp cân nhắc sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp.

Đồng tình với báo cáo của đại diện VCCI, TS Nguyễn Đình Cung nhắc tới nguy cơ thỏa mãn ở một số lĩnh vực. “Chúng ta cần tránh tình trạng ta cải thiện so với ta nhưng tụt lại so với thế giới. Như vậy chúng ta sẽ thiếu động lực cải cách, thiếu sự kiểm soát thực chất để có thể thay đổi”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

“Hai từ khóa là giảm chi phí, giảm rủi ro và phía sau đó là giảm rào cản, tăng mức an toàn trong hoạt động kinh doanh. Nhưng nhìn vào hoạt động xây dựng luật pháp thì lại có tình trạng một cải cách nhưng lại có hai ba điểm không cải cách khác kéo lại”, ông Cung nói.

Còn bà Thảo thì cho rằng, cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cần dành sự quan tâm thỏa đáng tới các chỉ số nhiều năm không có cải thiện hoặc cải thiện chậm, như: giao dịch thương mại qua biên giới, đăng ký tài sản…

Bên cạnh đó, cần nhân rộng các sáng kiến cải cách và phương thức quản lý hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt; nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ xác định về cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top