Dạ dày lợn là một trong số những phủ tạng động vật được dùng để chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe sớm nhất và thông dụng nhất trong y học cổ truyền phương Đông. Dạ dày được cổ nhân coi là “bể chứa thủy cốc” có công dụng thu nhận và làm chín nhừ thức ăn. Khi dạ dày bị bệnh thì quá trình tiêu hóa đồ ăn thức uống bị trở ngại phát sinh các chứng như: Đau bụng, chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn, đi lỏng, cơ thể gầy sút mệt mỏi...
Theo y học cổ truyền, dạ dày lợn vị ngọt, tính ấm có công dụng kiện tỳ, ích vị, bổ hư nhược, ngoài dùng điều trị các bệnh lý về dạ dày, dạ dày lợn còn được dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác như: Suy nhược cơ thể, thiếu máu, viêm gan, vàng da, xơ gan, đái tháo đường, rối loạn tiểu tiện, sa tử cung, di tinh, trẻ em suy dinh dưỡng, chứng ra mồ hôi nhiều ban đêm...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, dạ dày lợn rất giàu đạm, đường mỡ, các nguyên tố vi lượng và các vitamin A, B, và B12. Ngoài ra, còn một số men như pepsin, gastrin và gastric mucoitin...
Cháo dạ dày + bạch truật: Dạ dày lợn 1 cái, bạch truật 30g gừng tươi 10g, gạo tẻ 100g. Cách chế: Dạ dày lợn rửa sạch, thái miếng; Bạch truật và gừng tươi rửa sạch, thái phiến, sắc kỹ lấy nước rồi ninh cùng với gạo và dạ dày lợn thành cháo, khi được chế đủ gia vị chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ ích vị dùng cho những người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư nhược, biểu hiện bằng các triệu chứng đau bụng âm ỉ, chườm nóng thì đỡ đau, ăn kém, đầy bụng chậm tiêu đi lỏng.
Dạ dày hầm hạt tiêu: Dạ dày lợn 1 cái, hạt tiêu 9-15 g. Cách làm và sử dụng: Dạ dày lợn rửa sạch, hạt tiêu đập vụn cho vào trong dạ dày rồi dùng chỉ khâu lại, cho vào nồi dùng lửa nhỏ hầm chín, khi được chế thêm gia vị uống nước hầm và ăn dạ dày. 2 đến 3 ngày dùng 1 lần. Nếu không có hạt tiêu có thể dùng sa nhân 15g thay thế. Công dụng: Bổ tỳ kiện vị, ôn dương thông mạch, dùng cho những người bị viêm dạ dày mạn tính thể tìm vị hư hàn.