Món ăn hỗ trợ trị liệu ung thư cổ tử cung

(khoahocdoisong.vn) -  Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính thường gặp nhất ở phụ nữ. Về trị liệu, ngoài việc sử dụng thuốc nên kết hợp các món ăn bài thuốc để nâng cao tác dụng trị liệu và phòng tránh bệnh phát sinh.

Ung thư cổ tử cung được Đông y đề cập đến rất sớm trong phạm vi các chứng bệnh như “băng lậu”, “ngũ sắc đới”…với nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn tình chí, can khí uất trệ, hai mạch xung, nhâm tổn thương, suy giảm công năng các tạng phủ khiến chính khí (sức đề kháng miễn dịch) sút kém kết hợp với tà khí (các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài) xâm nhập vào trong cơ thể mà phát sinh thành bệnh.

Về trị liệu, ngoài việc sử dụng thuốc uống trong, thuốc xông ngâm bôi rửa bên ngoài, châm cứu, xoa bóp…, cổ nhân còn sử dụng các món ăn - bài thuốc (dược thiện) có công dụng phòng và hỗ trợ điều trị rất độc đáo.

Thịt lợn nấu rau kim châm: Thịt lợn nạc 50g, rau kim châm 30g, đương quy 30g, nấu thành canh ăn hằng ngày. Dùng thích hợp cho trường hợp suy nhược cơ thể, thường xuất huyết âm đạo.

Canh sơn tra + bào ngư: Bào ngư 50g, sơn tra tươi 10g ninh nhừ, uống nước canh, ăn bào ngư. Dùng thích hợp cho trường hợp có viêm và xuất huyết âm đạo.

Cháo hoàng kỳ + đương quy: Hoàng kỳ 50g, đương quy 15g sắc kỹ lấy nước rồi đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: Bổ khí dưỡng huyết, dùng cho trường hợp cơ thể suy sụp, nhất là sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị.

Gà ác hầm: Gà ác 1 con làm thịt, đem hầm nhừ ăn thường xuyên. Dùng hỗ trợ trị liệu cho các thể ung thư cổ tử cung, đặc biệt là khi có xuất huyết âm đạo. Nếu hầm cùng nhân sâm hoặc đẳng thì càng tốt.

Thịt dê hầm đương quy: Thịt dê 500g rửa sạch, thái miếng đem hầm với đương quy 50g, gừng tươi 3g bằng lửa nhỏ, dùng làm canh ăn hằng ngày. Dùng cho các trường hợp ung thư cổ tử cung thể hàn thể có biểu hiện sợ lạnh, nhạt miệng, đại tiện lỏng, thiếu máu.

Cá mực: Cá mực chế biến dưới các dạng hấp, xào, nường, chiên…ăn thường xuyên, dùng cho trường hợp có biểu hiện xích bạch đới (khí hư màu trắng, hồng đỏ).

Canh rau cần: Rau cần nước nấu canh ăn thường xuyên, rất tốt cho trường hợp có xuất huyết âm đạo.

Giấm gạo + gừng tươi: Giấm gạo một ít pha thêm đường đỏ hoặc đường trắng và vài giọt nước cốt gừng tươi uống hàng ngày, dùng cho trường hợp có đau bụng, sản dịch nhiều.

Canh thịt rắn: Thịt rắn 250 nấu canh ăn, nếu có thêm một ít thịt gà thái chỉ thì càng tốt. Công dụng: Bồi bổ sức khỏe, cải thiện công năng miễn dịch.

Cà chua trộn tỏi: Cà chua 2 quả thái lát, tỏi 2 nhánh băm vụn, trộn hai thứ ăn thường xuyên, dùng để phòng và hỗ trợ trị liệu các loại ung thư cổ tử cung.

Xa lát dưa chuột: Dưa chuột 500g, rau mùi 100g, tỏi ½ củ, tất cả rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều ăn hằng ngày, dùng cho các trường hợp sau phẫu thuật hoặc chiếu xạ.

Cháo thổ phục linh: Thổ phục linh 50g, thương truật 10g, ngưu tất 10g, hoàng bá, sắc kỹ lấy nước ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Đồng thời lấy nước sắc này xông rửa tại chỗ hàng ngày. Dùng cho trường hợp ra nhiều dịch hôi hám trong giai đoạn cuối.

Cháo tiên hạc thảo: Tiên hạc thảo 100g, sinh địa 50g sắc kỹ lấy nước ninh với một ít gạo tẻ thành cháo, ăn hàng ngày, dùng cho trường hợp ung thư cổ tử cung chiếu xạ, tiểu tiện ra máu.

Nước sắc ô mai: Ô mai 50g, can khương 10g, hoàng liên 5g, mộc hương 3g, sắc kỹ lấy nước, pha thêm một chút đường trắng, uống thường xuyên, dùng cho trường hợp chiếu xạ gây đau bụng, đi lỏng…

Cháo xích thạch chi: Xích thạch chi 100g, vũ dư lương 50g sắc kỹ lấy nước ninh với gạo tẻ thành cháo ăn thường xuyên, dùng cho trường hợp phải chiếu xạ gây đi ngoài ra máu nhiều.

Cháo sinh địa: Sinh địa 30g, lá tre 10g, mộc thông 5g, sinh cam thảo 5g sắc kỹ lấy nước nấu với gạo tẻ thành cháo, ăn thường xuyên, dùng cho trường hợp phải chiếu xạ gây đi tiểu ra máu nhiểu.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền BV T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top