Chỗ nào cũng thấy đồ
Tại căn bếp nhà nhà chị Phan Thị Ngân (tổ 35 Yên Hòa, Hà Nội) chỗ nào cũng thấy đồ, nhất là các ngăn tủ bếp, ngăn nào cũng chật ních các loại đồ.
Một ngăn chị Ngân chứa đầy các loại chai lọ từ lọ cắm hoa, mấy lọ thủy tinh đựng nước mắm đã dùng hết, đến cả những vỏ chai nước đã uống hết. Một ngăn chúng tôi thấy chị để các loại đồ khô, từ túi miến đang dùng dở, túi lạc đã dùng gần hết, túi măng khô còn nguyên chưa bóc, đến vài gói bột canh, bột nêm… vứt lộn xộn, bừa bãi.
Một ngăn khác, chúng tôi phát hiện chị để những thứ linh tinh như các loại thìa, bát, đũa dùng một lần, những gói nước sốt còn thừa sau những lần chị gọi đồ ăn về, thậm chí chúng tôi còn thấy mấy gói gia vị đã hết hạn sử dụng.
Một ngăn khác nữa phía dưới cùng chị nhét đủ các loại bát, đũa không dùng đến; tương tự, ngăn kế bên chị nhét đầy các túi nilon mà chị giải thích là tận dụng lại trong những lần mua đồ để đựng rác…
Không chỉ các ngăn tủ, xung quanh bếp chúng tôi cũng phát hiện quá nhiều đồ không dùng đến như vài vỏ can đựng rượu, chiếc ghế nhựa đã gãy một chân…
Nhiều căn bếp trông không khác gì một “thùng rác” – Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ông không bất ngờ khi phát hiện nhiều căn bếp trông không khác gì một “thùng rác”. Hầu hết chị em đều có nhu cầu mua đồ nhiều về tích để phòng khi cần dùng là có ngay khiến cho căn bếp chứa đầy đồ. Điều này cũng dễ hiểu.
Đáng nói hơn, nhiều chị em có thói quen, cất trữ cả những đồ không dùng đến như túi nilon, vỏ chai nước, chiếc dao cùn… với mục đích có thể sử dụng vào việc gì đó trong tương lai.
Việc cất trữ đồ kiểu này không chỉ tạo sự thiếu gọn gàng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tại nhiều gia đình, khi mở tủ đựng đồ thấy bốc ra mùi hôi, mốc, khó chịu. Nguyên nhân là vì các tủ bếp là nơi kín, bí, lại được vứt đủ các loại đồ nên rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Những nấm mốc này có thể gây hại cho sức khỏe. Đây là điều mà các nhà khoa học đã cảnh báo.
Việc tích trữ đồ đạc quá nhiều không chỉ làm cho căn bếp trở nên bừa bộn, thiếu gọn gàng, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh vi khuẩn, nấm mốc, làm tổ cho côn trùng, chuột bọ… gây ảnh hưởng đến điều kiện vệ sinh và môi trường sống.
Ông Nguyễn Thành Vinh
Tốt những phải chọn lọc
Ông Nguyễn Thành Vinh cho hay, việc tận dụng lại đồ đã sử dụng là điều tốt, đáng được khuyến khích, vì thực tế có rất nhiều đồ chúng ta có thể tận dụng được thay vì vứt chúng đi. Ví dụ một chiếc lọ thủy tinh đựng thực phẩm sau khi ăn hết, bạn có thể rửa sạch, để khô để tận dụng đựng các món thực phẩm khác hoặc đường, muối, đồ khô cần bảo quản kín.
Tuy nhiên, không phải cái gì bạn cũng có thể dùng lại được. Khi định cất giữ một món đồ nào để tận dụng lại, bạn cần phải nghĩ ngay, nếu giữ lại bạn định dùng chúng vào mục đích gì. Nếu chỉ vì thấy chúng đẹp, hoặc chỉ vì tiếc của mà giữ lại thì không nên, bởi có nhiều thứ dù có giữ lại bạn cũng không biết phải dùng chúng vào việc gì, sẽ chỉ là gom góp nhặt nhạnh rồi bỏ xó.
Tích trữ đồ cần sự chọn lọc và sắp xếp ngăn nắp.
Vì thế, bạn có thể giữ đồ cũ nhưng phải có sự chọn lọc, nếu không biết dùng chúng vào việc gì thì tốt nhất là vứt chúng đi, thay vì lại “nhét” vào góc nào đó trong bếp.
Ví dụ, sau một thời gian sử dụng, dao đã bị cùn, không thể mài thêm được nữa thì bạn nên vứt đi. Hoặc giả, một con dao cũ có thể dùng xới đất làm vườn trông rau trồng hoa, nhưng nếu bạn đã có dụng cụ làm vườn chuyên nghiệp rồi thì đừng tiếc con dao ấy nữa vì chắc chắn bạn sẽ không sử dụng đến.
Hằng tháng, định kỳ bạn cần thu dọn lại căn bếp, cái gì có thể dùng được thì giữ lại, cái gì không dùng đến, hoặc thực phẩm đã cũ, đã hết hạn thì vứt đi. Các loại đồ khô như măng khô, túi lạc chưa ăn hết cũng cần được kiểm tra thường xuyên xem chúng có bị mốc, hỏng không.
Có nhiều trường hợp, cả năm mới “sờ” đến thì phát hiện vài đôi đũa đã bị mốc, túi vừng chưa dùng hết nấm mốc đã bám đầy…
Đức Anh